Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tân sinh viên với nhà trọ:

Tạp Chí Giáo Dục

Bài 1: Cơ cực tìm nhà trọ đầu năm

Những khu nhà trọ tồi tàn, ẩm thấp như thế này có giá thuê khá cao.

Thời điểm này tân sinh viên (SV) các trường ĐH, CĐ đã và đang đến trường làm thủ tục nhập học. Xa nhà, làm quen với môi trường học tập mới, các SV bắt đầu đối mặt với những khó khăn mà trước đây các bạn chưa một lần gặp phải. Trong những vấn đề đó, nhà trọ đang là vấn đề nhức nhối được đặt lên hàng đầu.
Toát mồ hôi… tìm nhà trọ
“Khổ quá chị ơi! Em vào đây đã được hơn một tuần rồi. Ngày nào em cũng đạp xe đi tìm nhà trọ nhưng vẫn chưa tìm được. Muốn tìm một chỗ để yên tâm học tập mà sao khó quá”- Phương Thùy, tân SV Trường ĐH Luật TP.HCM khi gặp chúng tôi đã bắt đầu bằng những lời than như vậy. Thùy cho biết hiện tại bạn phải tá túc ở nhà một người bạn đang làm công nhân ở Bình Dương, cách trường gần 20km. Mỗi sáng, Thùy phải dậy lúc 5 giờ để chuẩn bị cho việc tới trường. Trường hợp của Thùy chỉ là một trong số rất nhiều tân SV đang đau đầu với vấn đề đi tìm chỗ ở. Đó được coi là thử thách đầu tiên để SV tiếp xúc với môi trường mới. Những bạn nào may mắn thì được người quen, bạn bè tìm giúp đỡ cho ở… ké, số còn lại vẫn phải “tự thân vận động”. Trong vai một SV đi tìm nhà trọ, chúng tôi dạo khắp khu vực gần các trường ĐH, CĐ ở Bình Thạnh, Gò Vấp, Thủ Đức… Nhưng đi đâu chúng tôi cũng nhận được những cái xua tay, lắc đầu. Thậm chí, khi chúng tôi vừa thập thò trước cửa một căn nhà ở khu nhà trọ có tiếng trong căn cứ 26-3 (Gò Vấp), bà chủ nhà đã vội lên tiếng “kiếm nhà trọ hả? đi chỗ khác đi. Ở đây hết phòng rồi”. Ngay như làng ĐH Thủ Đức, nơi được coi là “mảnh đất màu mỡ” có nhiều phòng trọ giá rẻ cũng không còn phòng. Một SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM cho biết, không riêng gì tân SV mới nhập học, kể cả những người khóa trước mới từ quê vào sau kì nghỉ hè cũng đang chạy đôn chạy đáo tìm phòng. Một ngày cuối tháng 9, chúng tôi đến dãy phòng 10/8 (đường Hiệp Bình) theo sự chỉ dẫn của cô bán nước mía bên vỉa hè. Chủ dãy nhà trọ này vừa xây mới 10 phòng nhưng khi hỏi “còn phòng cho thuê không” thì nhận được ngay câu trả lời: “Chỗ này hết phòng rồi em à. Đi đường khác mà tìm, ở khu vực này không có phòng đâu”.
Nói xong chủ trọ tiện tay cất luôn tấm bảng “cho thuê phòng trọ” mà theo anh Minh, sinh viên trọ ở đây thì đã treo hơn một tháng nay nhưng do quên nên vẫn cứ nằm đó để “trêu ngươi” SV tìm phòng.
Dọc đường Linh Trung II (Thủ Đức), chúng tôi thấy vẻ mặt căng thẳng của Mai Thị Thủy (Ninh Thuận) – tân SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Vừa đi vừa gạt mồ hôi trên mặt, Thủy nói: “Nghe các chị SV ở gần nhà bảo lên sớm mà tìm phòng trọ chứ cận ngày học là không còn phòng. Nên trước khi nhận được giấy báo nhập học, em đã bắt xe vào ngay để tìm phòng trọ nhưng tìm “đỏ mắt” mà chẳng có phòng trống cho thuê. Bây giờ em xuống khu vực Hiệp Bình Phước, ở đó xa nhưng có phòng còn hơn không”. Bạn Nguyễn Thị Thảo (Trường ĐH Nông Lâm) buồn bã bước ra từ dãy phòng trọ mới xây ở cuối đường Lê Văn Chí nói: “Ở đây phòng nào cũng có 5 đến 6 người ở, chật mà tiền lại cao nữa”.
Chủ nhà trọ đua nhau nâng giá
Qua tìm hiểu, chúng tôi ghi nhận tình trạng thiếu phòng trọ diễn ra căng thẳng tại các khu vực có Trường ĐH, CĐ khi các trường bắt đầu làm thủ tục nhập học cho tân SV. Có lẽ vì vậy mà giá thuê phòng đều tăng so với năm ngoái từ 200 – 250.000 đồng/phòng. Cụ thể, một phòng chỉ rộng hơn 20m2 (ở 4 người) có giá thuê từ 550.000 đến 650.000 đồng (chưa tính tiền nước, điện). Những phòng có mức giá thấp hơn từ 50 – 100.000 đồng thì xa trường đến gần 3 – 4km mà phòng lại chật chội, ẩm thấp. Theo tìm hiểu của chúng tôi, một phòng rộng chừng 10 – 14m2 ở đường Linh Trung, Hoàng Diệu (Thủ Đức) hay Lã Xuân Oai, Quang Trung (Q.9) có giá từ 450 – 600.000 đồng/tháng/người nhưng thời điểm này chủ nhà nâng giá lên 650 – 750.000 đồng/tháng/người. Trần Xuân Lanh (Trường CĐ Công thương) tâm sự: “Gia đình dự định cho em 1 triệu/tháng, giờ thuê trọ mất 500.000 đồng/tháng, cộng thêm tiền điện nước tăng lên khoảng 600.000 đồng, số tiền còn lại em sống cũng rất chật vật”.
Chuyện chủ nhà trọ “làm giá” với SV hầu như năm nào cũng tái diễn và giá thuê phòng tăng đột biến khi các trường bắt đầu làm thủ tục nhập học.
Với những phòng “đẹp”, an ninh, điện nước đầy đủ và có thể ở được từ 2-3 người, giá thuê trung bình không dưới 1.500.000đ/tháng. Càng vào khu vực trung tâm thành phố, sự chênh lệch về giá cả càng rõ rệt. Ở những quận trung tâm như Tân Bình, Q.10, Q.3… giá phòng đang từng ngày lên cơn “sốt”. Tính trung bình mỗi tháng, SV phải trả 400 – 500.000đ/tháng/người. Đó là còn chưa kể tới biết bao khoản tiền cần phải lo trong khi số tiền mà gia đình chu cấp lại quá hạn hẹp. Rất nhiều SV tâm sự: không phải họ không tìm được phòng mà là tìm được nhưng không dám ở vì quá đắt. 
Chuyện chủ nhà trọ “làm giá” với SV đầu năm hầu như năm nào cũng tái diễn trên địa bàn thành phố và nó tăng đột biến khi các trường bắt đầu làm thủ tục nhập học. Biết là giá đắt nhưng nhiều tân SV cũng đành bấm bụng chấp nhận kí vào bản hợp đồng thuê trọ chỉ vì lý do muôn thuở là sợ không có phòng trọ lúc nhập học. Điều đáng nói là lấy giá phòng cao, tiền điện nước cũng tăng gấp 2-3 theo giá quy định nhưng chất lượng phòng trọ luôn tỷ lệ nghịch với giá thuê.
Trong cái khó… ló cái khôn, nhiều SV lựa chọn giải pháp ở ghép với nhau để chia sẻ tiền thuê. Lê Hoàng Thanh (Trường ĐH Giao thông Vận tải, Q.9) đi mấy ngày tìm không ra nhà trọ đã phải “năn nỉ” để được ở ghép với 3 anh công nhân trong một căn phòng chừng 20m2 gần khu vực Chùa Liên Hải với mức giá 300.000đ/tháng. Thanh bộc bạch: “Tạm thời xin ở ghép, khi nào ổn định tính sau chứ giờ em cũng không biết phải tìm phòng ở đâu”.
Nguyên Hải – Ngọc Anh

Bình luận (0)