Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Tân sinh viên với nhà trọ: Bài 2: “Cò”… móc túi sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

Trung tâm gia sư kiêm luôn “môi giới” nhà trọ (ảnh chụp trên đường Trần Văn Đang, Q.3)

Lợi dụng những khó khăn của sinh viên (SV) trong việc tìm một nơi ở trọ để ổn định việc học tập nên có một số người đứng ra làm trung gian giới thiệu nhà trọ rồi lấy tiền “cò” với giá… cắt cổ.
Hành nghề… di động
Lệ Nguyên – tân SV Trường ĐH GTVT TP.HCM tỏ ra bức xúc khi kể về “tai nạn” của mình. Sau khi hoàn tất thủ tục nhập học, việc làm đầu tiên của Nguyên là phải nhanh chóng tìm được chỗ ở để tiện cho việc đi lại học tập. Đang không biết phải bắt đầu từ đâu thì Nguyên nhìn thấy một mẩu giấy ghi thông tin nhà trọ dán gần cổng trường. Gọi theo số điện thoại đó, bạn được một thanh niên tự xưng là SV học cùng trường với mình tới đón. Mừng vì được “đàn anh” giúp đỡ nên khi anh ta nói là chỗ của mình đã hết phòng và hứa sẽ đưa đi tìm ở một vài chỗ gần đó, Nguyên tin ngay. Sau một hồi vòng đi vòng lại, cuối cùng họ cũng tìm được chỗ để “chui ra chui vào”. Chưa kịp cảm ơn vì lòng tốt của “đàn anh” tốt bụng, Nguyên thực sự bất ngờ khi anh ta đề cập tới chuyện tiền nong. “Em phải đưa cho anh ta 150.000 đồng để trả cho việc dẫn đi tìm phòng trọ. Ở quê, ba mẹ em phải chạy vạy khắp nơi vay mượn mới có tiền cho em vào Sài Gòn nhập học. Phải trả số tiền lớn như vậy, em thấy xót xa quá”- Nguyên nói mà nước mắt chảy dài. Những trường hợp như Lệ Nguyên không phải là hiếm gặp. Phần lớn, tân SV nhập học đều là những người đến từ các tỉnh nên những bỡ ngỡ ban đầu khi làm quen với môi trường mới đã khiến cho nhiều người trở thành nạn nhân của những “cò” nhà trọ. Chỉ cần một mảnh giấy ghi vài dòng thông tin cho thuê phòng trọ nhưng không đề địa chỉ dán ở một nơi nào đó gần trường hoặc trên đường phố, chúng có thể biết được ai là “ma mới”, ai là “ma cũ”. Táo bạo hơn, một số “cò” đã vào hẳn trong khu vực làm thủ tục nhập học của trường rồi làm quen với tân SV, sau đó gợi ý về vấn đề nhà trọ. So với phương thức trên, “chiêu” này có vẻ mất nhiều thời gian và công sức nhưng tỉ lệ thành công lại “ăn chắc” hơn. Thanh Quang – tân SV Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng gặp phải trường hợp như vậy. Dù đã được gia đình người bà con cảnh báo sơ qua về chuyện nhà trọ nhưng ngay cả bản thân Quang cũng không thể ngờ rằng mình lại bị lợi dụng một cách dễ dàng đến vậy. “Em được một anh trông dáng vẻ thư sinh tới hỏi chuyện. Sau một hồi thân mật, anh ấy hỏi em về chỗ ở và cho biết gần chỗ anh ta còn phòng. Em mừng lắm vì đang cần chỗ ở nên đồng ý đi về chỗ anh ta ở hỏi phòng. Tuy không ưng ý lắm về phòng ốc nhưng nghĩ chấp nhận ở một thời gian rồi tính tiếp. Đến lúc anh ta quay sang đòi em 200.000 đồng tiền giới thiệu chỗ ở thì em mới biết mình đã gặp phải “cáo”. Lục soát khắp người chỉ có 120.000 đồng. Biết không thể lấy thêm được nữa, anh ta giật lấy tiền và không quên dành cho em một cái nhìn tức tối” – Quang kể.
Theo ghi nhận của chúng tôi, giá cả cho mỗi lần “giao dịch” cũng có sự thay đổi tùy thuộc vào mỗi đối tượng. Nhưng nhìn chung, giá thường chênh lệch từ 150.000 – 200.000 đồng/phòng.
Các trung tâm cũng vào cuộc móc túi sinh viên
Chỉ cần một mảnh giấy ghi vài dòng thông tin cho thuê phòng trọ nhưng không đề địa chỉ dán ở một nơi nào đó gần trường hoặc trên đường phố, “cò” nhà trọ có thể biết được ai là “ma mới”, ai là “ma cũ”.
Trước thực trạng khan hiếm nhà trọ vào đầu năm học mới, và nhất việc làm ăn dễ dàng của “cò di động”, rất nhiều trung tâm gia sư, trung tâm giới thiệu việc làm cũng “nhảy” vào làm trung gian giới thiệu nhà trọ. Dạo qua một số trung tâm gia sư trên đường Trần Văn Đang (Q.3), Cách Mạng Tháng Tám (Q.10)… chúng tôi đều thấy nhan nhản những tấm bảng cho thuê phòng trọ hay cho thuê nguyên căn nhà nằm cận kề bên những tấm bảng thông tin về trung tâm gia sư khác. So với “cò di động”, giá cả ở các trung tâm này có vẻ “mềm” hơn. Giá cho mỗi lần “môi giới” là 100.000 đồng/lần, và nếu không vừa ý “khách hàng” sẽ được đổi chỗ khác mà không phải tốn thêm bất kì khoản phí nào. Chị Thùy Trang – chủ một trung tâm gia sư đã có hơn hai năm kinh nghiệm trong “nghề” cho biết, so với những năm trước, việc làm trung gian nhà trọ nay nở rộ hơn cả. Giá cả “ăn chia” theo thống nhất giữa các nơi ban đầu là 50 – 60.000 đồng/lần. Nhưng trước thực trạng khan hiếm nhà trọ như hiện nay, tất cả các trung tâm đều đồng loạt lên giá. Và tất nhiên, tùy theo từng đối tượng, các trung tâm vẫn có thể “chém đẹp con mồi” khi có cơ hội. Nhìn sơ qua, loại hình này có vẻ làm ăn khá minh bạch và an toàn. Nhưng nếu tính kĩ, phương thức làm ăn này lại “móc túi” SV cực kì trắng trợn. Chỉ việc ngồi một chỗ, liên hệ và chia phần trăm hoa hồng với các chủ nhà trọ, các trung tâm có thể “ngồi mát” mà vẫn “hái” ra tiền. Ngày 2-10, trong vai một SV tới đăng kí nhận lớp gia sư, chúng tôi có mặt tại một trung tâm gia sư trên đường Trần Văn Đang. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, đã có tới 4-5 bạn SV tới hỏi và đăng kí tìm nhà trọ. Người chủ trung tâm này cho biết, mỗi ngày trung tâm có khoảng 10-11 người đăng kí thuê phòng. Chúng tôi nhẩm tính, với mức thu 100.000 đồng/người, trung bình mỗi ngày trung tâm này thu về hơn 1.000.000 đồng. Trừ phần trăm chi trả cho chủ các nhà trọ, số tiền họ thu về luôn tỉ lệ nghịch với công sức bỏ ra.
Bài học không thừa cho SV khi thuê nhà trọ:
Chú ý hợp đồng thuê phòng: Với các bạn SV đã có kinh nghiệm thì không còn bị mắc lừa “cò” môi giới, nhưng vấn đề thường xảy ra cho cả SV cũ và SV mới đó là việc thỏa thuận hợp đồng thuê phòng vẫn chưa rõ ràng. Khi thuê phòng, chủ trọ thường giới thiệu rất nhẹ nhàng, ưu ái, giá cả phải chăng, an ninh… SV đồng ý thuê, chủ nhà nhanh chóng làm hợp đồng tiền trọ, tiền đặt cọc, tiền điện nước, có vẻ hợp lý, ổn thỏa. Nhưng khi ở được 1 tháng thì xảy ra những rắc rối, đó là những khoản thu không tên ngoài hợp đồng được đưa ra bằng những lý lẽ bắt buộc: tăng tiền điện, nước, thu tiền rác, tiền để xe…
Đề phòng tình trạng dùng chung chìa khóa cổng: Nhiều SV đều muốn thuê được một chỗ trọ có giờ giấc thoải mái, tự do, không ràng buộc với chủ luôn tìm nhà có lối đi riêng và mỗi SV đều giữ một chìa khóa cổng riêng. Đây là một kẽ hở cho kẻ gian lấy cắp tài sản có giá trị như: xe đạp, xe máy, vật dụng có giá trị khác. Bởi các bạn không thể quản lý hết được người ra vào vì kẻ chuyển đi, người chuyển đến vẫn chung một chìa khóa cổng.
Do đó, trước khi thuê phòng trọ, các bạn SV nên xem xét kỹ tình hình an ninh nơi mình sắp ở và làm hợp đồng rõ ràng, tránh tình trạng “tiền mất tật mang”, mất thời gian, công sức đi tìm phòng, chuyển phòng, ảnh hưởng đến việc học.
Nguyễn Thị Trinh
 
Ngọc Anh

 

Bình luận (0)