Đầu năm, tân SV vất vả đi tìm chỗ trọ. Ảnh: MÊ TÂM |
Trước thực trạng khan hiếm nhà trọ như hiện nay, nhiều tư nhân đã nhanh nhạy nhảy vào “chia lửa” bằng cách xây dựng ký túc xá (KTX) dành cho sinh viên (SV). SV chỉ cần đóng tiền và vào… ở.
Chậm chân… không còn chỗ
Khi KTX tại các trường ĐH, CĐ quá tải, còn phòng trọ khan hiếm nhưng có giá “trên trời” thì việc các KTX tư nhân mọc lên khiến SV mừng như “bắt được vàng”.
Trưa ngày 9-10, lần theo địa chỉ trong tờ rơi, chúng tôi đến một KTX tư nhân “mới toanh” trên đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) – do Công ty Quang Ninh xây dựng. Tuy mới vừa xây dựng xong nhưng KTX chỉ còn duy nhất… hai chỗ trống. KTX có 5 phòng với sức chứa 70 SV – được mệnh danh là KTX “vip” với phòng ốc được trang bị khá hiện đại và sạch sẽ. Tuy không gian hơi chật nhưng với SV, đây đã là “thiên đường”. Mỗi phòng đều có ti vi (truyền hình cáp) và internet. Địa điểm cũng khá thuận lợi vì gần các trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch… Anh Đ.T. (chủ KTX) cho biết, nhiều phụ huynh đưa con đến đây đều hài lòng và đồng ý “dọn” đến ở ngay. Tuy vừa xây xong nhưng các phòng hầu như đã “kín” chỗ bởi nhiều người đã đăng ký trước rất lâu. Được biết, KTX chỉ tiếp nhận SV năm nhất.
Cách đó không xa, KTX Thanh Bình cũng vừa “mọc” lên đúng thời điểm tân SV các trường ĐH, CĐ “chân ướt chân ráo” bước vào mùa nhập học với nhu cầu chỗ trọ rất lớn. Thực ra, “tiền thân” của nơi này là dãy nhà trọ nhỏ vừa được đầu tư xây dựng lại. Thời điểm đầu tháng 9, khi chưa hoàn tất khâu xây dựng, KTX này đã đón hàng loạt SV “nhập cư” với sức chứa lên đến 500 SV.
Giá cả “một trời một vực”
Điều kiện để “nhập cư” vào KTX tư nhân “thoáng” hơn nhưng hầu hết SV đều phải chịu mức giá thuê cao gần gấp đôi so với KTX các trường. Trong khi SV nội trú ở KTX Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM sẽ chịu mức phí 1,5 triệu đồng/năm thì con số này tại KTX Thanh Bình lại đến 2,5 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, phí tiền điện được tính mức 2.500 đồng/kw; tiền nước tính 2.500 đồng cho 3m3 đầu, 2m3 kế tiếp tăng gấp đôi (cho mỗi m3) và từ m3 thứ 5 trở đi là 10.000 đồng/m3. Những SV ở tại KTX thuộc Công ty Quang Ninh cũng đóng mức phí tương xứng với danh hiệu “vip” là 4 triệu đồng/năm. Nhưng bù lại ở đây, SV được miễn phí điện nước, truyền hình cáp và internet.
Với Ban quản lý các KTX tư nhân, việc đảm bảo an ninh là một vấn đề lớn. SV nội trú tại đây cũng phải tuân thủ những quy định cơ bản như tại KTX các trường như: tránh xung đột, đánh nhau; giữ gìn vệ sinh khu vực ở; không đánh bài, nhậu nhẹt, sử dụng ma túy; tránh làm hư hỏng vật dụng trong phòng, đi về đúng giờ giấc… Có lẽ để “chắc ăn” trong quản lý, những thành viên quản lý đưa ra thêm những điều khoản “hơi lạ” khác nữa: KTX Thanh Bình sẽ phạt SV nào ngồi trên ban công 100.000 đồng, vì theo đại diện ở đây, phải phạt thì SV mới chú ý thực hiện, chỉ nhắc nhở nhiều khi các em không nhớ hoặc không lưu tâm tới. Tương tự, SV làm hư hỏng tài sản trong khuôn viên KTX sẽ chịu mức phạt gấp… 10 lần chi phí sửa chữa. Trong khi đó, để tránh “phiền toái”, KTX Quang Ninh chỉ nhận SV nữ. Và cũng để “an toàn” hơn, những người quản lý ở đây đã soạn thảo hẳn 15 điều nội quy cho SV, trong đó “nhấn mạnh” vào các yêu cầu: không gây rối, đánh nhau; sử dụng, tàng trữ ma túy; không đánh bài, mại dâm, sử dụng văn hóa phẩm đồi trụy; không đưa bạn khác giới vào phòng, trình báo khi người thân lên thăm muốn ở lại; tránh vô lễ, thiếu tôn trọng cán bộ quản lý. Mọi vi phạm cho các lỗi này đều buộc phải rời KTX, thông báo về gia đình, đề nghị trường… đuổi học hoặc xử lý theo pháp luật (nếu nghiêm trọng). Em Thanh Huyền (SV Trường CĐ Kinh tế Kỹ thuật miền Nam) chia sẻ: “Lần đầu tiên em lên Sài Gòn nhập học, đang bỡ ngỡ không biết tìm chỗ trọ ở đâu thì được các anh chị trong trường giới thiệu qua KTX Thanh Bình. Em đăng ký ở luôn vì thời điểm này, tìm phòng trọ khó quá, chẳng biết bao giờ mới tìm ra”. Cũng có SV đến tìm hiểu rồi quay về vì cảm thấy “thiếu không gian riêng” do phòng khá đông SV (trung bình 8 SV/phòng nhưng có phòng lên đến 16 người).
Có thể nói những KTX tư nhân đã góp phần “gánh” bớt căng thẳng về nỗi lo phòng trọ cho bộ phận không nhỏ SV trong điều kiện khan hiếm chỗ trọ như hiện nay. Ban quản lý mô hình KTX này cũng đã rất nỗ lực trong việc tạo cho SV không gian sinh hoạt, học tập an toàn, an ninh. Tuy nhiên, việc tổ chức phong phú đời sống tinh thần SV như KTX các trường khác là điều dù đã được nghĩ tới nhưng không phải KTX tư nào cũng thực hiện được. Như KTX Quang Ninh không dành chỗ để xe, SV phải tự gửi xe bên ngoài, không bố trí được phòng học tập thể cho SV. KTX Thanh Bình vẫn dành được khoảng sân nho nhỏ để làm “sân chơi” thể thao cho SV, phòng internet cũng chỉ được vài máy, có căn tin, phòng học chung trên diện tích “khiêm tốn” nhưng như vậy đã là “hạnh phúc” lắm rồi…
MÊ TÂM
Bình luận (0)