Bà Nguyễn Từ Dũ (bìa phải) nghe tác giả giới thiệu sản phẩm của mình tại cụm 1 |
Từ ngày 29 đến 31-3, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức Hội thi triển lãm đồ dùng dạy học, đồ chơi giáo dục khuyết tật cấp thành phố. Triển lãm trưng bày 163 sản phẩm đồ dùng, đồ chơi của các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa thành phố.
Triển lãm tổ chức tại 4 cụm: cụm 1 ở Trường Tiểu học Hồ Văn Cường, Q.Tân Phú; cụm 2 ở Trường Mầm non 1, Q.10; cụm 3 ở Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, Q.Tân Bình; cụm 4 ở Trường Tiểu học Trần Danh Lâm, Q.8. |
Tuy mỗi sản phẩm có hình dạng khác nhau nhưng tất cả đều có tính sáng tạo độc đáo và ứng dụng cao trong các hoạt động chăm sóc, giáo dục, an toàn cho trẻ. Tiêu biểu như “Sách phát triển các giác quan” của Trung tâm Hỗ trợ phát triển hòa nhập Khai Trí được thiết kế bằng những chất liệu như vải nỉ, nút, rơm giúp trẻ tự kỷ cải thiện về mặt xúc giác, phát triển ngôn ngữ, kỹ năng nghe nhìn; bộ đồ chơi “Bé chơi ráp hình” của Trường Mẫu giáo Bé Ngoan 1 (huyện Hóc Môn) giúp trẻ bệnh down chưa biết nói tập nói, nhận biết màu sắc, hình dạng và ghi nhớ lại hình của một vật đơn giản gần gũi trong cuộc sống. Hay bộ đồ chơi “Luyện thổi hơi” của Trường Giáo dục chuyên biệt Tương Lai (Q.1) sử dụng trong chương trình can thiệp sớm, giúp trẻ khó khăn về ngôn ngữ luyện hơi tập nói; bộ đồ dùng dạy học “Tiếng Việt – Toán bằng chữ nổi” và “Hệ thống lịch” của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu giúp trẻ khiếm thị và đa tật sờ, biết chức năng của từng biểu tượng trên bảng nỉ theo thời gian biểu trong ngày, trong tuần. Ví dụ, khi trẻ sờ vào biểu tượng trái banh giúp em hiểu là giờ tập thể dục, biểu tượng đôi dép là tiết học định hướng di chuyển, biểu tượng chiếc gối là giờ ngủ, biểu tượng cuốn sách là giờ học văn, hình tròn là giờ học toán…
Mô hình “An toàn giao thông” của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5) giúp trẻ chậm phát triển tập quan sát |
“Hệ thống lịch” của Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu giúp trẻ khiếm thị nhận biết chức năng của từng biểu tượng trên bảng |
Góp phần giáo dục trẻ hiệu quả hơn Bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, việc dạy trẻ khuyết tật rất vất vả nhưng các thầy cô vẫn quan tâm, đầu tư nhiều công sức tìm tòi, sáng tạo nên những bộ đồ dùng dạy học, đồ chơi bằng các nguyên vật liệu gần gũi, chi phí thấp, bảo vệ môi trường như giấy các tông, ống hút, hộp sữa, nắp chai… để góp phần vào việc giáo dục trẻ hiệu quả hơn. Đây là dịp các thầy cô dạy trẻ khuyết tật giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để góp phần giáo dục trẻ ngày càng hiệu quả hơn; qua đó giúp các em kém may mắn có cơ hội phát triển và hòa nhập vào cộng đồng xã hội. |
Cũng với điểm mạnh đặc thù, Trường Chuyên biệt Q.10 chú trọng đến những bộ đồ dùng, đồ chơi dành cho trẻ chậm phát triển trí tuệ, rối loạn ngôn ngữ, tự kỷ như: Bộ đồ dùng dạy học “Rubik” hỗ trợ trẻ trong độ tuổi từ 3-14 và bộ đồ dùng dạy học “Bảng di màu” được thiết kế bằng các chất liệu gần gũi (giấy from, decal, thẻ chữ số, viên bi, sơn màu, nam châm), giúp trẻ 3-6 tuổi học hòa nhập phát triển vận động tinh, rèn kỹ năng tập trung chú ý, nhận biết nhóm màu và số lượng, phát triển ngôn ngữ giao tiếp… Hay mô hình “An toàn giao thông” rất sinh động của Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (Q.5) giúp trẻ chậm phát triển trí tuệ tập quan sát, thực hành trực tiếp trên mô hình nhằm khắc sâu nội dung bài học, qua đó dần hình thành ý thức tham gia giao thông an toàn cho các em…
Bà Nguyễn Từ Dũ (Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhìn nhận: “Những đồ dùng, đồ chơi tham gia triển lãm được các thầy cô làm ra đều xuất phát từ nhu cầu thực tế của trẻ và phục vụ kịp thời trong việc giảng dạy các cháu khuyết tật ở nhiều dạng tật khác nhau như khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển trí tuệ, tự kỷ. Chúng tôi hết sức cảm động vì một lần nữa nhìn thấy công sức, sự tư duy, sáng tạo, tỉ mỉ của các thầy cô trong từng sản phẩm dù lớn hay nhỏ…”.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)