Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tấn Thi – nghề giáo và những vần thơ cô đơn

Tạp Chí Giáo Dục

>

Tấn Thi (vai thầy đồ) trong vở "Bàn tay của trời" – ảnh: H.K

Thập niên 80, 90 (thế kỷ 20), đoàn kịch Cửu Long Giang, Bông Hồng, 5B (nay là Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM) tưng bừng với nhiều vở diễn ăn khách, và khán giả cũng được thưởng thức "đã đời" những tác phẩm ấy qua màn ảnh truyền hình. Trong đó, nổi lên gương mặt Tấn Thi, đằm đằm mà rất ấn tượng.

Thầy giáo làng đi hát

Cái vẻ đằm đằm ấy xuất phát từ cốt cách của một ông thầy giáo. Nói thật, hồi chưa biết "tiểu sử" Tấn Thi, tôi cứ ngạc nhiên khi thấy anh khá uyên bác trong nhiều lĩnh vực văn học và triết học. Hóa ra, đây là cử nhân văn khoa, lại là một nhà thơ từng đăng rất nhiều bài trên các tờ báo lớn. Còn khi diễn, vẫn thấy một nét gì đó chững chạc, mô phạm, đến gương mặt cũng hiện lên chất nhà giáo, nhưng là một nhà giáo cứng cỏi, không hề yếu đuối, an phận. Thế là anh kể tôi nghe hồi đi học từng tham gia Tổng hội Sinh viên xuống đường đấu tranh, "máu me" dữ lắm! Tuổi trẻ hừng hực ước mơ, và anh đã gửi gắm vào những vần điệu thơ ca, cho tới ngày anh rẽ ngang qua sân khấu…

Sân khấu thời bao cấp nói gì thì nói vẫn là những ký ức rất đẹp trong lòng người mộ điệu. Chính nơi đó đã đào luyện nên những tài năng như Tấn Thi. Nhưng thử thách cũng vô cùng khốc liệt. Đồng lương eo hẹp, Kim Xuân phải ra chợ bán quần áo cũ kiếm thêm thu nhập. Còn Tấn Thi ngồi sửa xe đạp, mỗi ngày bèo nhất cũng được 7, 8 đồng, trong lúc cát-sê chỉ được 1 đồng rưỡi hằng đêm. Cho nên, đã có lúc anh dao động, tìm nghề khác sinh nhai. May mà Khánh Hoàng dựng Hamlet tại Nhà văn hóa Thanh niên, nhất quyết kéo về, bảo rằng tiếc một tài năng. Vai Tể tướng Bolonius đã hâm lại nỗi đam mê sân khấu, thế là Tấn Thi "dính" luôn, không xa rời được nữa. Khi anh về cộng tác với 5B, đã lấy ngay huy chương vàng trong Đời luận anh hùng, và đến bây giờ vẫn là một tên tuổi tin cậy của làng chính kịch.

Vai diễn gần đây của anh là thầy đồ trong vở Bàn tay của trời (đạo diễn Ái Như) khiến người xem se thắt. Một biểu tượng của đạo đức, một người cha tận tụy nuôi dạy con với bao nhiêu kỳ vọng, nhưng vì tên cướp đã tráo đổi hai đứa trẻ nên cuối cùng đứa con của thầy đồ trở thành hư hỏng. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, đó là nỗi đau của người làm giáo dục. Tấn Thi chuẩn mực trong từng cách ăn nói, đi đứng, thánh thiện trong tà áo dài the giản dị, rõ ràng là cái đẹp mô phạm. Diễn cho ra nhân lễ nghĩa trí tín mà không khô khan, giáo điều, đâu phải dễ.

Nhiều vai diễn khác của Tấn Thi cũng cứa vào lòng người như thế. Nhưng lạ sao, khi anh thử chuyển "tông" sang hài thì khán giả lại cười khoái chí vì những hình tượng ông già dí dỏm, yêu đời, thông minh, lém lỉnh. Tấn Thi chẳng cần lợi dụng hình thể hay ngôn ngữ, cứ tẩn mẩn mà diễn, rồi phun ra những câu… trời ơi, bảo đảm không cười là không ăn tiền.

Tấn Thi còn là một chuyên viên lồng tiếng có hạng của làng phim ảnh. 30 năm nay, anh "bán" giọng của mình không biết bao nhiêu là tiền. Anh cười: "Nhưng phải khổ luyện lắm nhé. Thứ nhất, trí nhớ phải tốt để thuộc thoại trong 30 giây. Thứ hai, mắt phải tinh để nhìn rõ khẩu hình và chữ. Thứ ba, có khả năng đứng suốt ngày suốt buổi mà không quỵ. Tôi bỏ thuốc bỏ rượu từ lâu để giữ giọng. Và mỗi ngày đều tập yoga, đi bộ để giữ sức". Sức lực ấy dĩ nhiên còn dành để chạy sô phim truyền hình đang gọi mời tới tấp…

Những vần thơ cô đơn

Đường công danh thoạt nhìn tưởng bằng phẳng, nhưng thật ra Tấn Thi đã phải đánh đổi biết bao nỗi niềm và hạnh phúc. Anh trải nỗi lòng trên trang giấy:

Muốn diễn một vai hay phải vắt máu tim mình

Phải thức trắng nhiều đêm tìm đường dây nhân vật

Bộ tưởng dễ lắm sao!

…………………..

Diễn viên hạng A (như tôi) một ngàn ba trăm đồng chẵn

Nếu mỗi đêm đủ bảy trăm khán giả chịu mua vé bước vào

…………………..

Vợ tôi đưa con đi bác sĩ mới về

Toa thuốc ghi – ba ngàn hai (trả trọn một lần)

Uống hết thuốc ngày mai tái khám

Vợ tôi nén một hơi dài như Trà Hoa Nữ khi độc thoại nội tâm-nhìn tôi

Đừng có tưởng!

Và rồi anh gặm nhấm phận mình như những hạt mưa xóa mờ nhân ảnh

Mưa hoàng hôn-Mưa bình minh

Mưa từ một cõi tử sinh mưa về

Mưa phản trắc-Mưa ước thề

Mưa ân hận khuất nẻo về bên nhau

Mưa niềm vui sao qua mau

Mưa chung thủy khóc niềm đau xa người

Mưa sáng đêm-Mưa tối trời

Cuốn trôi những mặt nạ đời-Mưa ơi!

Mà thôi, bây giờ nhìn lại tất cả đã là dĩ vãng. Anh đang bình yên trong căn nhà chung cư xinh xắn của mình, cậu con trai chuẩn bị tốt nghiệp đại học. Những ngày không tất bật chuyện phim, chuyện kịch, anh la cà tới 5B ngồi tán gẫu. Đã qua tuổi 60 mà trông anh chừng năm mươi mấy. Hỏi anh chiêm nghiệm điều gì nhất? Anh cười: "Sống chân thật. Mình biết mình không có khả năng đua đòi, bon chen thì phải sống chân thật và diễn chân thật thì bạn bè và khán giả mới thương". 

Tấn Thi sinh năm 1949 tại Cai Lậy, Tiền Giang. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Cần Thơ. Dạy học tại Tiền Giang từ năm 1972 đến 1975. Lên Sài Gòn xin vào làm tại Phòng VH-TT quận 8 rồi học khóa diễn viên tại đoàn kịch Nam Bộ chung với Kim Xuân, Hồng Dung, Minh Hạnh…

Năm 1976 bắt đầu lên sàn diễn. Huy chương vàng và bạc Hội diễn sân khấu 1981, 1985, 1990. Những vai ấn tượng: Lê Phụ Trần (Đời luận anh hùng), Ông già bú sữa voi (Tên trùm bịp bợm thành Venise), ông Tư cô đơn (Chuyện miệt đồng), Giám đốc Bảy Nam (Nếu bắn vào quá khứ), thầy đồ (Bàn tay của trời)… Đã tham gia gần 30 phim: Ngọn nến hoàng cung, Lục Vân Tiên, Lẵng hoa tình yêu, Tham vọng, Tình yêu pha lê, Gọi giấc mơ về, Người đẹp Bình Dương…

Hoàng Kim (Theo TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)