Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tận thu hay tận… diệt?

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng với "Chạm vào hạnh phúc", "Bến phà xác sống" là 1 trong 2 phim Việt khởi chiếu dịp lễ 2/9 năm nay.

Bến phà xác sống là phần tiếp theo của Cù lao xác sống – ra rạp dịp lễ 2/9 năm ngoái. So với phần 1, câu chuyện trong phần này tập trung nhiều hơn vào hành trình tìm con gái bị thất lạc của Công chứ không lan man, dàn trải với nhiều tuyến truyện của nhiều nhân vật phụ. Tuy nhiên, chất lượng phim vẫn “thảm họa” như phần 1.

Chưa bàn đến nội dung, chất lượng kỹ thuật của phim Bến phà xác sống cũng chưa đạt chuẩn phim chiếu rạp

Chưa bàn đến nội dung, chất lượng kỹ thuật của phim Bến phà xác sống cũng chưa đạt chuẩn phim chiếu rạp

Tính “thảm họa” của cả 2 phần phim không chỉ từ nội dung mà cả ở mặt kỹ thuật của phim – hình ảnh, màu sắc, âm thanh, tiếng động đều không đạt chuẩn chiếu rạp. Xem Cù lao xác sống và Bến phà xác sống, có thể nhận ra đây là 1 tác phẩm được cắt làm 2 phần và đưa ra rạp thay vì chiếu trên nền tảng trực tuyến theo dạng original series (xê ri gốc). Và như phần 1, ở cuối phần 2 của phim cũng cài cắm nhiều phân cảnh ngụ ý sẽ còn mở ra phần 3.

Việc ê kíp sản xuất Cù lao xác sống vẫn tiếp tục tung ra Bến phà xác sống dù phim bị chê, với chất lượng không hề khá hơn khiến người xem thêm ngán ngẩm dòng phim zombie Việt. Không chỉ vậy, việc đem một bộ phim vốn là dự án phim bộ chiếu mạng có tên gọi Lost in Mekong Delta ra rạp càng làm cho khán giả thêm hoài nghi về chất lượng phim Việt chiếu rạp.

Điện ảnh Việt lâu nay vốn đã yếu về mặt nội dung, chất lượng kịch bản, chỉ biết bù lại bằng cách đầu tư phần nghe nhìn nên sự xuất hiện của những bộ phim chỉ xứng tầm chiếu trực tuyến càng kéo điện ảnh nội đi xuống. Nếu như trước đây chỉ những phim Việt hay mới được các đơn vị mua lại để phát trên dịch vụ xem phim trực tuyến thì giờ đây, với sự phát triển của dịch vụ này, phim nào gần như cũng có cơ hội tiến lên mạng sau khi rời rạp. Thêm một “đầu ra” là thêm một cơ hội kiếm tiền. Do đó, quy trình “ngược” cũng có, nhất là với những đơn vị sản xuất sở hữu luôn cụm rạp. 

Mỗi nền tảng chiếu phim có đặc trưng khác nhau. Thời lượng phim chiếu rạp luôn bị hạn chế nên sau khi rời rạp, khán giả luôn thấy ngơ ngác vì nội dung phim lủng củng, tình tiết rời rạc, tâm lý nhân vật khó hiểu. Muốn tường tận câu chuyện, chỉ còn cách xem thêm bản trực tuyến.

“Chiêu” phát hành phim bộ độc quyền ngoài rạp trước khi tung lên mạng này từng được thấy ở phim Mưu kế thượng lưu (2022). Phim ra rạp vào dịp tết năm ngoái và quay trở lại bằng câu chuyện đầy đủ trong phim bộ độc quyền có tên Trà xanh đấu siêu lừa. Phiên bản này có những cảnh phim không có trong bản điện ảnh, trải dài câu chuyện với những tình tiết logic hơn bản 101 phút chiếu rạp. 

Đầu tư phim ảnh là cuộc chơi nhiều rủi ro nên các nhà làm phim luôn tìm cách kiếm thêm nhiều đầu ra cho phim, để tăng cơ hội hoàn vốn. Việc đưa phim ra rạp trước rồi chiếu trực tuyến sau hoặc ngược lại là những giải pháp. Có điều, giải pháp sau tiềm ẩn nhiều nguy hại hơn, vì làm xói mòn niềm tin của khán giả vào phim nội. Tận thu theo cách này không khác gì tận diệt phim Việt.

Theo Nguyễn Ngọc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)