Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tận thu khoáng sản – tận diệt môi trường

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù Chính phủ đã quyết định ngưng toàn bộ việc xuất khẩu cát nhiễm mặn đối với nguồn cát tận thu của các dự án nạo vét luồng lạch, cảng biển và cửa sông từ ngày 1-7-2010, nhưng đến nay, một số bộ và địa phương lại không đồng thuận với quyết định này. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho đến nay vẫn bảo vệ quan điểm phải ngưng hoàn toàn xuất khẩu cát nhiễm mặn, vì lo ngại Việt Nam sẽ thiếu vật liệu san lấp trước nhu cầu nâng cao địa hình để đối phó với nguy cơ nước biển dâng trong tương lai.
Cảnh khai thác titan lậu tàn phá môi trường ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Lê Toàn.
Còn Bộ Xây dựng thì chỉ ủng hộ cấm xuất khẩu đối với các địa phương có nhu cầu sử dụng loại cát này vào việc san lấp mặt bằng. Riêng những nơi không có nhu cầu thì kiến nghị cho tiếp tục xuất khẩu.
Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và nhiều địa phương có nguồn cát tận thu lại muốn Chính phủ tiếp tục cho xuất nguồn cát tận thu này.
Khai thác tận thu khoáng sản, nhằm tránh lãng phí tài nguyên của quốc gia là điều cần thiết. Tuy nhiên, trong điều kiện quản lý hoạt động khai thác khoáng sản còn nhiều bất cập và bị buông lỏng, công tác điều tra và thăm dò chưa được thực hiện đầy đủ, chủ trương này đang trở thành kẽ hở bị lợi dụng. Nó không chỉ gây thất thoát tài nguyên lớn mà còn để lại những tác hại nghiêm trọng về môi trường.
Theo các quy định hiện hành, việc cấp giấy phép khai thác tận thu được thực hiện ở những khu vực có khoáng sản ở dạng sa khoáng nhỏ, quặng lăn và các thân quặng nhỏ phân bố không tập trung, không có hiệu quả đối với hoạt động khai thác công nghiệp; những khu vực khai thác mỏ đã có quyết định đóng cửa để thanh lý…
Điều đáng quan tâm là đến nay Việt Nam mới tiến hành điều tra, thăm dò nguồn tài nguyên khoáng sản được khoảng một nửa diện tích toàn lãnh thổ. Đồng thời, theo quy định, việc khai thác tận thu không cần phải tổ chức thăm dò trước khi bắt đầu khai thác.
Đây là lỗ hổng lớn, nhiều doanh nghiệp và địa phương đã lợi dụng để cấp phép và khai thác tận thu tràn lan ở những khu vực mà công việc thăm dò, khảo sát chưa kịp thực hiện.
Bên lề kỳ họp Quốc hội vừa qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Hà Văn Hiền, xác nhận do thấy Trung ương chưa quy hoạch, nên các địa phương đã tự quy hoạch và cấp phép. Ông cũng khẳng định, việc cấp phép khai thác quá dễ dãi, chỗ không nên cấp thì lại cấp hoặc cấp cho doanh nghiệp không có năng lực, dẫn đến tình trạng mua bán giấy phép lòng vòng.
Ngoài ra, luật lệ hiện hành cũng quy định rõ mỗi tổ chức chỉ được cấp một giấy phép khai thác tận thu, với diện tích vùng mỏ không quá 10 héc ta và khối lượng khai đào (bao gồm đất và đá) không quá 100.000 tấn/năm. Nhưng trong thực tế, có không ít doanh nghiệp được phép khai thác tận thu trên diện tích tới 80 héc ta.
Khai thác tận thu thường sử dụng phương pháp thủ công rất lạc hậu, nên lượng tài nguyên khoáng sản bị thất thoát rất lớn. Quan trọng hơn, nó còn gây ra những tác hại to lớn về môi trường. Những năm qua, hàng ngàn héc ta rừng phòng hộ ven biển miền Trung và rừng đầu nguồn ở các tỉnh Quảng Nam, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang… đã biến mất do việc khai thác tận thu titan, vonfram, quặng sắt, than, thiếc…
Thêm vào đó, không ít doanh nghiệp, thông qua giấy phép khai thác tận thu khoáng sản, còn phá cả rừng để “tận thu” gỗ ở ngoài khu vực được cấp phép. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng không thực hiện cam kết hoàn thổ sau khi đào bới để tìm quặng, mà hoạt động khai thác tận thu vàng ở vùng đầu nguồn tỉnh Quảng Nam là một ví dụ. Việc làm này đã làm cho nhiều hộ dân địa phương mất phương tiện sinh sống, vì không thể canh tác trên những vùng đất đã bị đào bới tan nát.
Điều đáng mừng là trong dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi đưa ra để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa qua, vấn đề khai thác tận thu đã được siết lại. Theo dự luật, khai thác tận thu chỉ được thực hiện đối với khoáng sản còn lại ở bãi thải khi đã có quyết định đóng cửa mỏ.
Dự luật này, nếu được thông qua vào kỳ họp Quốc hội cuối năm nay, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để chấn chỉnh sự lộn xộn và lạm dụng giấy phép khai thác tận thu diễn ra trong nhiều năm qua. Vấn đề còn lại là liệu luật này có được thực thi nghiêm túc hay không. Vì có luật, mà các địa phương không chịu tuân thủ, cố tìm khe hở để lách, thì cũng bằng không.
Theo TBKTSG

Bình luận (0)