Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tăng 100% mức thu tiền nhuận bút tác giả: Nhạc sĩ có được lợi?

Tạp Chí Giáo Dục

Việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) áp dụng biểu giá mới (tăng 100%) mức thu tiền sử dụng tác phẩm tác giả âm nhạc đã làm cho các nhà sản xuất băng đĩa bị “sốc” và buộc phải đôn đáo tìm hướng giải quyết. 

Nhà bảo hộ đột ngột tăng giá 
Lý do mà VCPMC đưa ra trước động thái tự động điều chỉnh giá ở mức tối thiểu (từ 500.000 đồng/bài cho đĩa CD lên 1 triệu đồng) là việc “một mức giá sa vào tình trạng bất động quá lâu lại chính là hiện tượng phi tự nhiên”. Theo đó, mức giá 500.000 đồng/bài cho đĩa CD mà trung tâm (TT) thỏa thuận với Hiệp hội Công nghiệp ghi âm VN (RIAV) từ hơn 6 năm (2005) là mức trung bình thấp, phổ biến trong thời gian đó. Ở thời điểm đó, thù lao cho ca sĩ thu một bài hát cho đĩa CD cũng trên dưới 500.000 đồng/bài. Cho đến nay, tiền thù lao cho ca sĩ và nhạc sĩ (NS) viết phần đệm đã tăng lên khoảng 5-6 lần (trên dưới 2-3 triệu đồng/bài). Ngay mức giá một đĩa CD thời kỳ đó vào khoảng 25.000-30.000 đồng thì nay đã lên đến 50.000-60.000 đồng, hoặc cao hơn nữa.  

Một số chương trình ca nhạc trên đài truyền hình trả tác quyền cho nhạc sĩ thông qua VCPMC.

Tuy nhiên, theo ông Trần Chiến Thắng – Chủ tịch RIAV – không thể đánh đồng sản phẩm cho live show và sản phẩm lồng tiếng. Đối với live show, hợp đồng sử dụng cao nhất và chỉ một lần, khác với sản phẩm thu âm được bảo hộ cả 100 năm. Bên cạnh đó, ngoài việc thu tiền tác giả trên sản phẩm CD, TT còn thu cả nhạc chuông, nhạc chờ, 3G, các mạng truyền thông, các dịch vụ karaoke, khách sạn, nhà hàng, trên máy bay, tàu hỏa… Nếu thu đủ số lần bài hát được sử dụng thì NS sẽ có thu nhập cao chứ không thấp. Vấn đề là cách thu của TT xem ra vẫn chưa ổn, ở chỗ, không chỉ thu cho các NS ký hợp đồng bảo hộ tác quyền âm nhạc, mà còn tự động thu cả những NS chưa ủy quyền cho họ. Việc họ chi trả đến tay từng NS như thế nào vẫn chưa được làm rõ và NS nhận tiền thù lao, nhưng vẫn bị trừ 25% phí quản lý. Trong khi đó, quyền của TT là chỉ ở trong phạm vi Hội Nhạc sĩ VN, những người đã ký ủy quyền cho họ, chứ không phải mặc nhiên thu tiền của mọi NS.  
Để có được một sản phẩm âm nhạc (bản ghi âm, ghi hình) đến với công chúng, các đơn vị sản xuất phải đầu tư nhiều thời gian, kinh phí với nhiều khoản chi nên RIAV khẳng định các khoản thu mà VCPMC thu được từ các bản ghi của các đơn vị sản xuất băng đĩa, như vậy VCPMC không thể phủ nhận vai trò đóng góp không nhỏ của các nhà sản xuất. 
Nhà sản xuất méo mặt 
Tại buổi làm việc với báo chí ngày 6.5, bà Trương Thị Thu Dung – Phó Chủ tịch thường trực RIAV – phân tích: “Đáng lý VCPMC phải ra thông báo cho chúng tôi về việc tăng giá thu tiền tác giả trong năm 2010, để chúng tôi có kế hoạch sản xuất phù hợp. Đằng này, đầu năm 2011, đùng một cái, họ thu theo biểu giá mới làm các nhà sản xuất hoàn toàn bị động. Mỗi tháng, bên Rạng Đông chúng tôi làm 5 chương trình, thì phí tác quyền cho tác giả từ 25 triệu đồng đội lên gấp đôi. Ngoài ra, chúng tôi còn chịu nhiều chi phí khác. Thành ra, không phải chúng tôi đình công, nhưng thà không sản xuất còn hơn là bị lỗ nặng. Tuy nhiên, đối với người hưởng thụ sản phẩm, giá CD đội cao lên cũng làm cho họ bị thiệt, hoặc chất lượng sản phẩm kém đi”. 
RIAV đã kiến nghị VCPMC giữ biểu giá thu tiền nhuận bút tác giả năm 2011 y như cũ đối với sản xuất CD, VCD, DVD. Nếu phía bên kia không chấp thuận, đề nghị áp dụng theo tinh thần Nghị định 61/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ thù lao nhuận bút tác phẩm. 
Ông Trần Chiến Thắng cho biết, RIAV sẽ làm việc với Hội Nhạc sĩ VN để giải quyết vấn đề này, chứ không phải không thể ngồi bàn với VCPMC. Ông nói. “Trong trường hợp không đi đến thỏa thuận giữa đôi bên, phía RIAV sẽ liên hệ với các NS trẻ, các ca sĩ hát bài tự sáng tác để trực tiếp chi trả tác quyền cho họ mà không thu bất cứ đồng phí nào”.
Nhạc sĩ có được lợi? 
Thực ra, trước đây cả hai phía, VCPMC và RIAV từng ngồi lại thỏa thuận mức thu 500.000 đồng/bài trên CD, nhưng nay thì bất thành. Nếu sòng phẳng hơn, vẫn có thể áp dụng mức thu 4-5% cho đĩa âm thanh và 6-8% cho đĩa hình căn cứ vào số lượng sản phẩm băng đĩa, chứ không phải là mức giá bất di bất dịch. Vấn đề là trong khi hai bên tranh cãi chưa ngã ngũ, liệu NS có được hưởng lợi?  
Rất nhiều NS từ trước đến nay vẫn không biết liệu tất cả tác phẩm ghi âm của mình một khi vang lên ở đâu có được VCPMC thanh toán đầy đủ hay không. Thậm chí, có những NS không ủy quyền, nhất là những tác giả đã mất vẫn được TT thu đều đều. Nhưng rõ ràng, trong trường hợp các hãng sản xuất hạn chế sản xuất chương trình, sản phẩm của họ cũng khó tìm đường đến với công chúng. Việc mà từ lâu mà các NS và cả RIAV đặt ra là cần có một chính sách thu tiền tác quyền minh bạch, rõ ràng, có sự giám sát của một tổ chức nào đó, thay vì thụ động ngồi chờ chi trả nhỏ giọt và không biết mình được lợi hay không. 
Minh Thi (Laodong.com.vn)

 

Bình luận (0)