Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tăng bệnh nhân máu nhiễm mỡ sau Tết

Tạp Chí Giáo Dục

Tiệc tùng, bia rượu, lười vận động sau kỳ nghỉ Tết dài ngày đã khiến nhiều bệnh nhân nhập viện vì mỡ nhiễm máu.


Một bệnh nhân vào điều trị tim mạch mới phát hiện máu nhiễm mỡ tại BV Thanh Nhàn. Ảnh: PT.
Theo các chuyên gia y tế, mỡ không thể thiếu cho cơ thể nhưng "dung nạp" quá nhiều sẽ sinh bệnh.
Nhập viện mới biết bệnh
Anh Trần Văn Mỹ (ở Yên Mỹ – Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, liệt nửa người. Sau khi làm các xét nghiệm, chụp phim, các bác sĩ kết luận anh bị nhồi máu cơ tim. Đáng nói bệnh của anh phát triển là do có chỉ số mỡ trong máu quá cao. Một trong những nguyên nhân là do trong những ngày Tết ăn uống không hợp lý, anh thường xuyên “ngập” trong rượu, bia.
Mới đây bà Trương Thị Thoa ở Thanh Xuân (Hà Nội) bị tai biến phải vào viện điều trị đã rất bất ngờ khi biết mình mắc máu nhiễm mỡ. Cũng may bà đã được phát hiện sớm khi chưa có những biến chứng nguy hiểm. Các bác sỹ dặn bà cần có chế độ ăn kiêng, tập luyện và dùng thuốc theo hướng dẫn là có thể nhanh chóng đẩy lùi mỡ tồn đọng trong máu.
BS Lê Thị Phương Huệ (BV Đa khoa Thanh Nhàn) cho biết, thường sau Tết số bệnh nhân vào viện khám, phát hiện bị máu nhiễm mỡ nhiều hơn, vì trong những ngày nghỉ họ tiệc tùng nhiều lại lười vận động… Máu nhiễm mỡ là do chứng rối loạn lipid máu. Lipid máu bị rối loạn sẽ gây ra xơ vữa động mạch, các bệnh lý tim mạch nguy hiểm có thể gây tử vong. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh rất muộn. Đa phần khi có biến chứng tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp… mới phát hiện ra. Thậm chí có trường hợp không có biểu hiện gì nhưng khi vào viện đã liệt nửa người khiến việc điều trị khó khăn, tốn kém.
Những năm gần đây, số lượng bệnh nhân mắc phải căn bệnh này tăng đến mức báo động. Theo kết quả một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về rối loạn mỡ máu, ở người trưởng thành độ tuổi từ 25-74 có tỷ lệ gia tăng chiếm 26%. Riêng khu vực thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM tỷ lệ này lên đến hơn 40% ở lứa tuổi trên.

Theo TS Đinh Thị Thu Hương, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch TƯ, sở dĩ bệnh nhân thường phát hiện bệnh muộn là do rối loạn lipid máu thường không có những biểu hiện rõ ràng ra ngoài. Bình thường trong máu có một tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá bằng chỉ số xét nghiệm cholesterol, triglycerid… Nếu các chỉ số này cao hơn mức cho phép thì gọi là mỡ máu cao. Trong đó, cholesterol cao là chỉ số đặc trưng của bệnh. Nguyên nhân bệnh có thể do di truyền, tuy nhiên chế độ sinh hoạt, ăn uống không hợp lý như nhậu nhẹt, tiệc tùng, uống quá nhiều bia rượu… là chính.

Hạn chế ăn phủ tạng động vật
Bác sĩ Huệ cho biết, ở mức độ nhẹ máu nhiễm mỡ chưa gây hại nhiều đến sức khỏe. Nhưng nếu để lâu, bệnh tiến triển nặng sẽ gây ra nhiều bệnh tim mạch, các bệnh khác như cao huyết áp, xơ vữa động mạch hay viêm gan, xơ gan, tiểu đường…, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Để phòng tránh bệnh máu nhiễm mỡ, các chuyên gia khuyên mọi người cần có một chế độ sinh hoạt hợp lý. Tăng cường vận động, rèn luyện cơ thể bằng các hoạt động thể dục thể thao sẽ giúp cơ thể điều hòa, dễ dàng hấp thu các chất có lợi và đào thải chất có hại cho cơ thể. Mọi người cũng cần khám sức khỏe định kỳ. Điều này giúp phát hiện sớm bệnh tật để điều trị kịp thời, tiết kiệm được cả thời gian, tiền bạc.
Những người mắc nhiễm mỡ trong máu cũng cần có chế độ ăn kiêng. Tuy nhiên, không nên ăn kiêng quá mức khiến cơ thể bị thiếu chất dẫn đến suy dinh dưỡng, mất cân bằng sinh lý không có lợi cho sức khỏe. Nên ăn nhiều các loại thực phẩm có lợi cho việc giảm mỡ như rau xanh, sữa bò, nấm hương, cá, mộc nhĩ, hành tây, lạc, đậu, táo… Hạn chế uống rượu, bia, hạn chế ăn những thức ăn có nhiều colesterol như óc lợn, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng gà. Ngoài ra, có thể sử dụng một số loại thuốc làm giảm lipid trong máu, nhưng phải do bác sĩ kê đơn tùy theo tình trạng từng người.
Ngàn Thương
GiadinhNet


 

Bình luận (0)