(GD TP.HCM): – Ngày 5-11, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức tọa đàm “Chất lượng đào tạo ĐH quốc tế ở TP.HCM”. Tọa đàm bàn về chất lượng, cung – cầu, những mặt tồn tại cũng như đề xuất hướng mới cho giáo dục ĐH quốc tế ở nước ta. PGS.TS Nguyễn Thiện Tống lý giải nguyên nhân của tình trạng “bùng nổ” các trường ĐH quốc tế nước ta hiện nay: “Chất lượng giáo dục ĐH của chúng ta còn thấp, nhất là ở bậc ĐH gây mất niềm tin dẫn đến tình trạng “tỵ nạn giáo dục” bằng cách du học, bán du học, du học tại chỗ”. Ông Tống cũng cho rằng, xu hướng toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế ngày càng lấn mạnh sang lĩnh vực giáo dục. Các nước đang phát triển bắt đầu thiết lập nhiều mô hình “xuất khẩu giáo dục” như các nước phát triển. Sinh viên và học sinh trở thành khách hàng trong “thị trường giáo dục”, các trường ĐH quốc tế. “Khách hàng” tăng cơ hội lựa chọn (tùy sở thích, thời gian, chất lượng và học phí). SV đi du học hay học các chương trình liên kết tin tưởng vào một chất lượng cao hơn “nội địa”.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh việc tăng cường yếu tố cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, việc cải tiến hiệu quả chất lượng giáo dục, đòi hỏi các trường cần đầu tư phát triển nét đặc thù riêng.
M.T
Bình luận (0)