Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tăng thêm 5.535 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập trong năm học 2024-2025 trong bối cảnh năm học này có số học sinh lớp 9 đông nhất trong nhiều năm với 116.296 em. Trong số này, dự kiến có 114.933 học sinh tốt nghiệp THCS để giải bài toán khó về áp lực học sinh là phù hợp.
Năm nay, TP.HCM tăng thêm 5.535 chỉ tiêu lớp 10 công lập, nâng tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 so với tổng số học sinh tốt nghiệp THCS là 67,3% (ảnh minh họa)
Nhận cái khó về ngành
Nhiều năm nay, tại TP.HCM, số trường THPT không tăng, số lớp cũng hầu như không biến động nhiều nhưng số học sinh mỗi năm lại không đứng yên theo số trường, số lớp mà ngày càng nhiều hơn. Điều này là cái khó cho ngành giáo dục thành phố khi phải đảm bảo đủ chỗ học cho con em người dân sinh sống trên địa bàn thành phố, song song đó vẫn phải giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Một trong những từ khóa trọng tâm được ngành giáo dục thành phố đặt ra trong suốt nhiều năm nay, đặc biệt là từ khi thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới đó là “sáng tạo, năng động”. “Sáng tạo, năng động” cũng được xem là từ khóa then chốt để ngành giáo dục giải những bài toán khó của ngành.
Việc tăng thêm chỉ tiêu lớp 10 công lập đồng nghĩa với số lớp trong nhiều trường sẽ phải mở rộng ra, thậm chí là vượt quá so với số lớp học hiện có của trường. Điều này đòi hỏi các trường THPT phải tính đến giải pháp tận dụng, chuyển đổi công năng của các phòng chức năng, sắp xếp lại thời khóa biểu, tính toán lại cách thức tổ chức dạy học 2 buổi/ngày từ 10-12 buổi/tuần xuống còn 7-8 buổi/tuần, vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục mà đủ phòng học cho học sinh.
Thông tư 03/2024/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành giáo dục, quy định rõ khái niệm lớp học 2 buổi/ngày của trường THPT “là lớp học đủ 2 buổi của các ngày trong tuần hoặc học từ 7 đến 11 buổi/tuần”. Bên cạnh đó, Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, cũng quy định rõ: với bậc THPT, phòng học đảm bảo tối thiểu 0,6 phòng/lớp. Như vậy, việc vận dụng các thông tư một cách linh hoạt trong bối cảnh số phòng học chưa đáp ứng đủ để đảm bảo mỗi lớp học một phòng, học xuyên suốt 2 buổi các ngày trong tuần, để xây dựng lại kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày, từ đó có đủ phòng học cho học sinh là điều cần thiết.
NGƯT Nguyễn Văn Ngai (nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) nhìn nhận, việc xây dựng các giải pháp để đảm bảo có thêm phòng học cho học sinh trong bối cảnh không có thêm trường THPT mới chắc chắn sẽ có cái khó cho các trường THPT, bởi phải tính sao cho hài hòa về cơ sở vật chất, nguồn lực trang thiết bị, con người, các thiết chế văn hóa trong trường, song thông tư cho phép và Bộ GD-ĐT cũng trao quyền.
Đón thêm học sinh bằng nhiều giải pháp
Được Sở GD-ĐT TP.HCM giao thêm 45 chỉ tiêu, tương đương với 1 lớp 10, nâng tổng số lớp 10 của Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) trong năm học 2024-2025 lên 17 lớp. Thầy Lâm Triều Nghi (Hiệu trưởng nhà trường) chia sẻ, hiện nay nhà trường đang tính đến giải pháp tận dụng thêm phòng nghe nhìn (phòng dùng chung) đủ để sắp xếp thêm 1 lớp nữa. Thời gian tới nhà trường xây dựng, cải tạo lại trường nên học sinh của trường cũng phải học ở địa điểm khác. Riêng về nhân sự, thầy Nghi cho biết việc tăng thêm 1 lớp 10 không khiến nhà trường gặp khó khi đội ngũ giáo viên vẫn đáp ứng được yêu cầu, đảm bảo giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tăng chỉ tiêu lớp 10 công lập sẽ có thêm nhiều cơ hội cho học sinh (ảnh minh họa)
Trong khi đó, Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1) được bổ sung tăng thêm 2 lớp 10, nâng tổng số lên 17 lớp 10 (chưa tính 2 lớp tích hợp). Nhà trường tính sẽ thay đổi công năng của một số phòng chức năng để chuyển thành phòng học. Đồng thời, nhà trường sẽ hợp đồng thỉnh giảng để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp giảng dạy. Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết rất đồng tình với việc tăng thêm chỉ tiêu vào lớp 10 công lập của Sở GD-ĐT TP.HCM. Điều này giúp chia sẻ bớt áp lực tuyển sinh của thành phố trong bối cảnh học sinh thành phố ngày càng gia tăng, dân nhập cư đông. Từ đó cũng giúp giảm áp lực kinh tế cho người dân thành phố, tăng thêm cơ hội được học trường công lập cho học sinh.
Là trường nằm trong tốp đầu thành phố, theo thầy Huỳnh Thanh Phú, việc nhận thêm chỉ tiêu chắc chắn điểm chuẩn của Trường THPT Bùi Thị Xuân sẽ hạ, nhưng trên hết học sinh có thêm chỗ học, đó là niềm vui. Việc đặt an toàn, an ninh, an dân là điều quan trọng, vì thế nhà trường sẵn sàng chia sẻ gánh nặng về áp lực tuyển sinh của thành phố, để người dân giảm bớt áp lực kinh tế. “Sau khi tuyển đợt 1, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng nên nghiên cứu tiếp tục công tác tuyển bổ sung lớp 10, để làm sao tận dụng hết công năng, công suất của các trường trong điều kiện cho phép, tiếp nhận thêm học sinh”, thầy Phú kiến nghị.
Tại Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức), thầy Lê Ngọc Khái (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết hiện nay nhà trường đảm bảo mỗi lớp 1 phòng học ở cả 3 khối để thực hiện dạy học 2 buổi/ngày. Vì thế, khi tăng thêm 135 chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 trong năm học 2024-2025 (3 lớp 10), nhà trường đang tính đến nhiều giải pháp, cách thức như sắp xếp lại phòng ốc, tận dụng các phòng chức năng, song song đó có thể sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh và đảm bảo chất lượng giáo dục. “Chắc chắn sẽ có thêm khó khăn cho nhà trường khi tiếp nhận thêm chỉ tiêu. Xét ở góc độ toàn diện thì việc tăng thêm số lớp với nhà trường sẽ là thêm trách nhiệm, thách thức để đáp ứng được tốt nhất yêu cầu của ngành giao cho. Thế nhưng, đứng ở góc độ phụ huynh thì việc tăng thêm chỉ tiêu là niềm vui, mở thêm cơ hội để học sinh có thêm chỗ học. Việc nhà trường cố gắng sắp xếp để chia sẻ khó khăn với ngành, với người dân trong bối cảnh hiện nay là điều cần thiết, phù hợp”, thầy nói.
Bài, ảnh: Đỗ Yến
Bình luận (0)