Cân nhắc, xác định rõ thế mạnh của bản thân trong việc chọn bài thi, lựa chọn đúng nghề mà sau này mình muốn làm để chọn ngành, trường học cho phù hợp… Đó là những chia sẻ được các chuyên gia đưa ra trong chương trình tư vấn tuyển sinh “Đúng ngành nghề – Sáng tương lai” lần 10 năm 2018 do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP và ĐHQG TP.HCM tổ chức tại Trường THPT Thủ Thiêm (Q.2) vừa qua.
Chuyên gia trao đổi thông tin thêm với học sinh sau chương trình |
Tăng cơ hội khi giảm điểm ưu tiên
Thông tin trên được TS. Nguyễn Đức Nghĩa (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam) cung cấp đến học sinh khối 12 trong trường. Theo ông Nghĩa, trong quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay, điểm ưu tiên sẽ giảm chỉ còn 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi trong tổ hợp xét tuyển, thay vì 0,5 điểm như kỳ tuyển sinh năm ngoái. Như vậy, trong năm nay, điểm cộng ưu tiên khu vực tối đa mà thí sinh được hưởng là 0,75 điểm thay vì 1,5 điểm như quy định trong các năm trước. “Chính việc thu hẹp khoảng cách, giảm điểm ưu tiên sẽ tăng thêm nhiều cơ hội vào các trường ĐH, CĐ cho học sinh thành phố. Quan trọng là điểm càng cao thì cơ hội sẽ càng thêm lớn”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Ông Nghĩa cho biết đầu tháng 4 tới, học sinh khối 12 sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH, CĐ; do đó các em phải xác định rõ bản thân mình có thế mạnh gì, năng lực sâu ở những môn học nào để chọn bài thi cho phù hợp với việc lựa chọn ngành học, trường học. “Quy chế cho phép các em làm cả hai bài thi nhưng tôi khuyên các em chỉ nên làm một bài thi vì làm cả hai cũng thật sự không cần thiết. Và làm cả hai bài thi sẽ phải học những 9 môn, điểm sẽ rất thấp. Ngoài 3 môn thi bắt buộc văn, toán, tiếng Anh, các em hãy lựa chọn thêm môn mà mình có khả năng nhất để làm, sẽ giúp các em có điểm cao hơn. Trong cuộc đua vào ĐH, ai cao điểm hơn người đó thắng”, ông Nghĩa chia sẻ.
Về công thức tính điểm thi tốt nghiệp, ông Nghĩa cho biết điểm trung bình năm lớp 12 sẽ chiếm 50%, điểm trung bình bài thi chiếm thêm 50%. “Trong 9 môn thi thì có tới 8 môn là trắc nghiệm. Điều này rất thuận lợi cho các em, hạn chế nguy cơ bị điểm liệt”, ông Nghĩa nói.
Sức hút của các trường có yếu tố quốc tế
Trong chương trình, rất nhiều học sinh bày tỏ mong muốn được tìm hiểu và theo học tại các trường đào tạo mang tính quốc tế. Theo các chuyên gia, ưu điểm khi học tại những trường này là khả năng ngoại ngữ, cơ hội làm việc tại các nước tiên tiến, trải nghiệm du học tại chỗ. Tuy nhiên, vấn đề tài chính lại là một trong những nhược điểm của hình thức đào tạo này.
“Sinh viên sẽ được chuẩn hóa 100% trình độ tiếng Anh. Đặc biệt trong đòi hỏi phải hòa nhập, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay. Nhà trường hiện có 2 chương trình cho sinh viên đăng ký học đó là chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt và chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh”, ThS. Cao Quảng Tư (Giám đốc Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) cho biết.
Theo ông Tư, việc đăng ký theo chương trình học này như một hình thức du học tại chỗ. Với công thức 2+2, thời gian du học sẽ rút ngắn chỉ còn 2 năm khi 2 năm đầu các em học tại trường Việt Nam, 2 năm sau sẽ học chuyển tiếp tại các trường bản xứ. Như vậy, cũng sẽ bớt gánh nặng tài chính cho gia đình.
Cũng với công thức 2+2, ông Trần Minh Dương (đại diện Phân hiệu ĐH Broward – Mỹ – tại Việt Nam) chia sẻ, hình thức đào tạo này giúp sinh viên trang bị trình độ tiếng Anh, làm quen, tiếp xúc với cách học, môi trường học, văn hóa tại nước Mỹ để tránh những bỡ ngỡ, hụt hẫng về văn hóa.
Còn theo ThS. Nguyễn Hoàng Thiên Thư (đại diện Trường ĐH Việt Đức), hiện trường có liên kết với 36 trường ĐH của Đức, với chương trình học do các trường đối tác cấp. Sinh viên tốt nghiệp sẽ có hai bằng là cử nhân ĐH Việt Nam và cử nhân ĐH Đức. “Cơ hội việc làm rất lớn tại Đức, đặc biệt trong các ngành tài chính kế toán, quản trị kinh doanh, kỹ thuật. Tuy nhiên, mức học phí của trường là trên 70 triệu đồng/năm”, ThS. Thư chia sẻ.
Yến Quân
Bình luận (0)