Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Tăng cơ hội, tăng… rắc rối

Tạp Chí Giáo Dục

Mặc dù chưa chính thức khởi động “mùa tuyển sinh” mới, nhưng thông tin Bộ GDĐT sẽ nghiên cứu bổ sung một số khối thi được đưa ra trong chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục đại học năm học 2011 – 2012 do Bộ GDĐT ban hành mới đây đã khiến nhà trường và các thí sinh sẽ dự thi trong năm tới rất quan tâm.    

Thuận lợi hơn…
Từ vài năm gần đây, nhiều trường cho rằng việc chỉ có 4 khối thi A, B, C, D như hiện nay đã không còn phù hợp, nhất là với những ngành mới mở, ngành khó tuyển và đặc biệt là các ngành năng khiếu.
Lãnh đạo một trường kinh tế nằm trong hàng “top” trên địa bàn TPHCM và một vị phó phòng của ĐH Bách khoa TPHCM đưa ra quan điểm: Rất cần đưa ra những khối thi mới, trong đó bao gồm những môn thi (kiến thức) sẽ phục vụ cho việc đào tạo ở bậc đại học chứ hiện nay, rất nhiều ngành đào tạo trong lĩnh vực kinh tế đã và đang tuyển sinh theo khối A (với 3 môn toán – lý – hóa). Kiểm tra chuẩn kiến thức của thí sinh (TS) là vậy, song khi thực tế học ở bậc đại học thì hầu như các ngành kinh tế chẳng cần gì đến kiến thức môn hóa.
Thi tuyển sinh theo kiểu truyền thống năm 2011.     Ảnh: KỲ ANH
Thi tuyển sinh theo kiểu truyền thống năm 2011. Ảnh: KỲ ANH
Hay như với ngành công nghệ thông tin của một số trường kỹ thuật, hiện cũng đang tuyển chủ yếu thông qua tuyển TS khối A và thực tế cũng không cần đến những kiến thức của môn hóa. Trong khi đó, thực tế đào tạo lại đòi hỏi SV của ngành CNTT cũng như một số ngành trong lĩnh vực kinh tế rất cần kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ… Chính vì thế, nên có một khối thi mới cho ngành kinh tế thích hợp và sát với chuẩn kiến thức mà các em sẽ được đào tạo ở bậc đại học hơn – vị lãnh đạo này kết luận…
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, bộ đã nhận được đề nghị từ Bộ Thông tin – Truyền thông về việc cho phép ngành công nghệ thông tin thi 3 môn toán, lý, ngoại ngữ.
…nhưng cũng dễ rối hơn

Lãnh đạo một số trường ĐH lớn cũng như các chuyên viên tư vấn tuyển sinh và chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đa phần ủng hộ dự kiến đổi mới này. Tuy nhiên, bên cạnh đó là không ít lo ngại việc này sẽ phát sinh ra nhiều chuyện “rối rắm” hơn. Cụ thể, ông Huỳnh Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng ĐH Nông lâm – phân tích: Với các trường tuyển qua NV2-3 thì sẽ là vấn đề. Ngoài ra, theo ông Hùng, điều quan trọng nhất và cũng khiến nhiều trường lo lắng nhất đó là làm sao đảm bảo được sự công bằng cho TS khi các em dự thi vào những khối mới, đặc biệt mà chỉ có một số trường thực hiện và liệu những khối thi mới có tương đương được với những khối thi truyền thống trong xét tuyển đầu vào của một ngành cũng như giữa các trường?
Ông Nguyễn Quốc Hợp – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHDL Văn Hiến – cũng cho rằng, điều lo ngại nhất là làm sao thật sự công bằng cho các TS, nhất là đối với các trường có đầu vào chủ yếu nhờ xét tuyển theo NV2-3. Theo ông Hợp, lo ngại này chỉ được tháo gỡ khi cùng với việc đưa ra những khối thi mới, bộ sẽ kèm theo những hướng dẫn cụ thể để áp dụng trong việc sử dụng kết quả khi xét tuyển nhiều khối thi khác nhau vào cùng một ngành đào tạo giữa các trường như thế nào?
Lãnh đạo Bộ GDĐT cho biết, việc tiến hành thi theo khối thi mới này là không bắt buộc. Sau khi việc mở rộng khối thi được chính thức quyết định, bộ sẽ yêu cầu các trường thông báo công khai yêu cầu tuyển sinh bao gồm ngành đào tạo, khối thi, chỉ tiêu. Theo đó, có thể cùng một ngành, tuyển sinh cả khối thi truyền thống và khối thi mới. 
Theo Thể Uyên – Ngân Anh
(laodong)

Bình luận (0)