Nhiều giải pháp cho vấn đề thất nghiệp, thiếu việc làm cho thanh niên đã được đưa ra tại Diễn đàn Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023, do Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐTB-XH, Trung ương Đoàn tổ chức vào ngày 5-5, tại Hà Nội.
Tỷ lệ thất nghiệp chiếm 7,61%
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Lê Văn Thanh thông tin, nhờ những chính sách đồng bộ, trong thời gian qua, công tác lao động, việc làm cho thanh niên đã đạt được những kết quả tích cực. Hiện cả nước có hơn 29,3% lao động thanh niên đã qua đào tạo; lực lượng lao động thanh niên đang chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước; cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch sang làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, chiếm 69,2%… Tuy nhiên, các chính sách riêng cho lao động thanh niên, nhất là các nhóm đặc thù, yếu thế vẫn còn thiếu, trong khi nguồn lực dành cho các chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên còn hạn chế. Do đó, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24, tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong quý 1-2023, tỷ lệ thất nghiệp đối với đối tượng này là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Đồng thời, số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Tư vấn, tuyển dụng lao động tại Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM.
Quan tâm đến vấn đề này, ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), cho biết, tháng 4 vừa qua, đoàn công tác của Viện đã tiến hành khảo sát thực tế, gặp gỡ lao động tại 3 tỉnh ở phía Nam. Kết quả khảo sát cho thấy một thực tế đáng báo động là, tình trạng công nhân, đặc biệt là lao động trẻ, bị giảm giờ làm, mất việc làm, nhận trợ cấp thất nghiệp tăng. Tình trạng mất việc làm của lao động trẻ ở phía Nam cao hơn nhiều so với miền Bắc. Với tình trạng giảm giờ làm, giảm thu nhập, mất việc làm rất cao hiện nay thì điều quan trọng nhất, giải quyết được căn cơ vấn đề vẫn là cần tạo công ăn việc làm cho lao động trẻ.
Quan tâm đối tượng đặc thù
Tại diễn đàn, nhiều ý kiến đã đề cập những vấn đề “nóng” đang tác động mạnh đến việc làm cho giới trẻ, đó là: phân công lao động quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang bùng nổ; Việt Nam đang từ giai đoạn dân số trẻ chuyển sang giai đoạn dân số già… Đứng trước những khó khăn thách thức đó, TS Nguyễn Hoàng Hà (Tổ chức Lao động quốc tế – ILO) cho rằng, những xu hướng việc làm mới đòi hỏi lao động trẻ phải có trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, chúng ta cần những chính sách nhằm trang bị cho thanh niên những công cụ, kỹ năng mới, kiến thức, cách thức làm việc mới phù hợp hơn, nhất là với xu hướng việc làm xanh trong môi trường kinh tế xanh. Quan tâm đến những đối tượng đặc thù hơn, nhiều ý kiến cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý có thêm những chính sách ưu đãi cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, giúp họ có việc làm và được vay vốn ngân hàng, tiếp cận các nguồn vốn vay với mức lãi suất thấp… Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Cục trưởng Cục Việc làm (thuộc Bộ LĐTB-XH), cho biết, những chính sách dành cho các đối tượng đặc thù đã có và sắp tới sẽ được đẩy mạnh thực hiện.
Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Vì vậy, việc nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về việc làm, xây dựng chính sách về việc làm cho thanh niên cần được đặc biệt quan tâm. Các đại biểu cũng kiến nghị cần có một chính sách tổng thể, toàn diện về đào tạo nghề và việc làm cho thanh niên; trong đó, cần có những chính sách riêng đối với từng đối tượng như thanh niên nông thôn, công nhân, đô thị, khuyết tật, dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, sinh viên… Đặc biệt, những chính sách mới được xây dựng cần bám sát bối cảnh thực tiễn sau tác động của dịch Covid-19 và của cuộc cách mạng 4.0. Theo Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy, những thông tin, ý kiến tại diễn đàn sẽ cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn giúp các cơ quan như Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐTB-XH có những kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành những chính sách về việc làm phù hợp với tình hình mới, tăng cơ hội việc làm cho thanh niên.
MINH DUY (theo SGGP)
Bình luận (0)