Trong khuôn khổ thực hiện đợt cao điểm ra quân xử lý phương tiện đường thủy vi phạm đăng ký, đăng kiểm trên phạm vi toàn quốc (từ ngày 11-9 đến 25-10-2019), TP.HCM cũng đồng thời tăng cường tuyên truyền về ATGT đường thủy tại các bến đò, bến khách sang sông thông qua những việc làm cụ thể như phát tờ rơi, tặng áo phao cho người dân và học sinh tiểu học…
Cảnh sát đường thủy TP.HCM tập huấn cách mặc áo phao cho học sinh tiểu học tại bến đò Bình Lợi ở huyện Bình Chánh
TP.HCM: Tuyên truyền ATGT đường thủy tại các bến đò
Nhằm thực hiện hiệu quả chương trình của Bộ Công an về phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em trong giai đoạn 2016-2020, vừa qua Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP.HCM đã phối hợp với Huyện đoàn Bình Chánh tổ chức buổi tuyên truyền về ATGT đường thủy nội địa cho người dân tại Bến đò Bình Lợi (huyện Bình Chánh). Tại đây, các cán bộ chiến sĩ và đoàn viên thanh niên đã trực tiếp thông báo, phát tờ rơi với nội dung chấp hành việc mặc áo phao, cầm dụng cụ nổi cứu sinh khi đi trên phương tiện thủy và phát miễn phí 30 áo phao cho các em học sinh tiểu học. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng yêu cầu chủ bến viết cam kết chấp hành nghiêm túc các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa, bố trí thuyền viên có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn phù hợp, chở đủ số lượng người theo quy định… Có thể nói buổi tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa cho các chủ bến đò, người điều khiển phương tiện thủy và người tham gia giao thông. Qua đó giúp người tham gia giao thông đường thủy nhận thức việc bảo vệ tính mạng, tài sản là trách nhiệm của mình, không phải của riêng cá nhân, tổ chức nào. Lực lượng chức năng kỳ vọng hoạt động tuyên truyền sẽ góp phần vào công tác phòng ngừa, hạn chế tai nạn thương tích và đuối nước ở trẻ em ngày càng hiệu quả hơn.
Bên cạnh công tác tuyên truyền ở các bến đò, Cảnh sát đường thủy TP còn chú trọng xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó khi có các tình huống bão mạnh, xả lũ, triều cường gây ngập úng hoặc sạt lở. Theo đó, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phân công cụ thể cho các đội, trạm tăng cường công tác nắm địa bàn, điều tra cơ bản các tuyến sông trọng điểm, những nơi có xả lũ, dòng chảy xiết để chủ động ngăn ngừa và cảnh báo cho các phương tiện đi qua. Đồng thời chỉ đạo chi đoàn thanh niên phối hợp với các đội, trạm tích cực vận động các chủ bến đò phấn đấu giữ vững tiêu chuẩn “Bến khách tiện nghi an toàn”, hưởng ứng cuộc vận động “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát đường thủy còn phối hợp với Cảng vụ đường thủy nội địa TP và công an các phường, xã ven sông tổ chức Hội nghị tuyên truyền hướng dẫn pháp luật giao thông đường thủy nội địa, tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc về cách trang bị và sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông…
Toàn quốc: Xử lý hơn 3.000 trường hợp vi phạm trong 7 ngày cao điểm
Trong thời gian từ ngày 11-9 đến 25-10 là thời điểm lực lượng cảnh sát đường thủy toàn quốc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm của các thuyền viên, chủ phương tiện đường thủy về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải, sửa chữa phương tiện thủy nội địa. Yêu cầu trọng tâm của đợt cao điểm là nắm tình hình, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm và lập danh sách quản lý tất cả các phương tiện tự ý hoán cải phục vụ hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên đường thủy. Thông qua công tác kiểm tra, xử lý lực lượng chức năng cũng phối hợp với các địa phương và cơ quan đăng kiểm tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ phương tiện thực hiện các quy định về đăng ký, đăng kiểm, an toàn kỹ thuật và hoán cải phương tiện phù hợp theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực này.
Kết quả trong tuần đầu triển khai đợt cao điểm trên phạm vi toàn quốc, lực lượng tuần tra kiểm soát cảnh sát đường thủy các tỉnh thành đã lập biên bản xử lý 3.180 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy; ra quyết định phạt tiền 2.901 trường hợp với 3.232 lỗi vi phạm, chuyển Kho bạc Nhà nước 2.643.470.000 đồng. Trong các lỗi vi phạm, hành vi chở quá vạch dấu mớn nước an toàn chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 1.042 trường hợp; tiếp đó là vi phạm về đăng ký, đăng kiểm với 265 trường hợp; vi phạm về giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường là 250 trường hợp… Dịp này, các địa phương cũng tập trung công tác phòng ngừa tội phạm đường thủy thông qua công tác phối hợp tuần tra mật phục, đấu tranh ngăn chặn tội phạm. Kết quả lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 27 vụ vận chuyển hoặc khai thác cát trái phép, bắt giữ 5 đối tượng, 29 phương tiện (106m3 cát), phạt tiền 66.150.000 đồng. Song song với việc tuần tra và xử lý vi phạm, công an các tỉnh thành còn phối hợp các đơn vị truyền thông, tổ chức tuyên truyền 7.244 tài liệu tuyên truyền; yêu cầu 385 cá nhân, tổ chức viết cam kết không vi phạm các quy định về trật tự ATGT và an ninh trật tự trên đường thủy; tuyên truyền trực tiếp Luật Giao thông đường thủy nội địa và các quy định về đăng ký, đăng kiểm, trật tự ATGT đường thủy cho 33.693 lượt để thuyền trưởng, người lái phương tiện, người dân tham gia giao thông đường thủy nội địa, hoặc người dân sinh sống dọc ven sông. Đặc biệt, trong những ngày thực hiện đợt cao điểm vừa qua, nhiều đơn vị đã phối hợp với chính quyền các cấp để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”… Đây là phong trào đã tạo được nhiều hiệu ứng tích cực về văn hóa giao thông đường thủy, góp phần đảm bảo ATGT đường thủy trên phạm vi toàn quốc trong nhiều năm qua.
Bài, ảnh: Bích Vân
Bình luận (0)