Từ năm 2017 đến nay, liên tiếp 6 năm liền TP.HCM luôn dẫn đầu cả nước về điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc xoay quanh câu chuyện dạy và học tiếng Anh trên địa bàn TP.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Bảo Quốc
Nỗ lực chuyển đổi và thích ứng
+ Phóng viên: Theo ông, điều gì giúp TP.HCM liên tiếp 6 năm qua luôn đứng đầu cả nước ở điểm thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT?
– Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Bảo Quốc: Để có được kết quả này theo tôi có sự hội tụ của nhiều yếu tố, từ đặc thù của một TP lớn nhất cả nước cho đến sự quan tâm của phụ huynh học sinh, sự nỗ lực của cá nhân học sinh và mỗi thầy cô, nhà trường.
Đặc thù lớn nhất của TP.HCM trong việc dạy và học ngoại ngữ so với các tỉnh thành khác là từ năm 2010, TP sớm triển khai Đề án dạy ngoại ngữ và tin học. Ngay từ năm lớp 1, học sinh TP đã được tiếp cận với môn tiếng Anh trong khi yêu cầu của Bộ GD-ĐT môn học này bắt đầu được giảng dạy từ năm lớp 3.
Cũng thông qua đề án, nhiều hoạt động hỗ trợ cho việc giảng dạy ngoại ngữ đã được TP triển khai đa dạng trong toàn ngành, ví dụ như chương trình tăng cường tiếng Anh; chương trình tiếng Anh tự chọn; tiếng Anh với người nước ngoài và số chương trình tích hợp khác…, góp phần giúp các trường tập trung tăng cường giảng dạy ngoại ngữ, hỗ trợ mở rộng học sinh học tốt môn ngoại ngữ ngoài việc học trong SGK.
Một yếu tố nữa là trình độ chất lượng giáo viên tiếng Anh luôn được TP chú trọng, bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực. Giáo viên được tiếp cận sớm với những phương pháp giáo dục tích cực, mạnh dạn hơn trong đổi mới phương pháp giảng dạy môn học với nhiều hình thức, cách thức, giúp học sinh thêm yêu thích môn học. Trong nhà trường, học sinh có những giờ học được học với giáo viên người nước ngoài giúp các em thêm hứng thú học tập, nâng cao thêm hiệu quả dạy và học tiếng Anh.
Phổ điểm môn tiếng Anh TP.HCM trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Song song đó, sự phát triển đa dạng của các loại hình bổ trợ ngoại ngữ bên ngoài nhà trường cũng góp phần nâng cao chất lượng học tập môn ngoại ngữ trong nhà trường. Toàn TP có hơn 1.500 trung tâm ngoại ngữ, đáp ứng được nhu cầu học tập ở môn học này của học sinh từ mức độ thấp đến mức độ cao, theo điều kiện gia đình. Đặc biệt nhất, thành quả trên còn phải kể đến sự nỗ lực của học sinh và gia đình trong việc đầu tư nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho con em mình.
+ Năm học 2021-2022, TP.HCM chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Trong suốt HKI, học sinh TP phải học trực tuyến với nhiều rào cản. Dù vậy, kết quả TP vẫn đứng đầu cả nước về môn ngoại ngữ. Theo ông, kết quả này nói lên điều gì?
– Tôi cho rằng kết quả này càng khẳng định được sự nỗ lực vượt khó của thầy cô, học sinh và mỗi nhà trường, khẳng định chất lượng dạy thật, học thật của TP. Đặc biệt đó là sự chủ động thích ứng của thầy cô, học sinh khi chuyển đổi dạy và học cũng như kiểm tra đánh giá từ trực tiếp sang trực tuyến và ngược lại không chỉ ở môn tiếng Anh mà còn là ở tất cả các bộ môn khác.
Cạnh đó, kết quả còn đến từ sự hỗ trợ, đồng hành của phụ huynh học sinh khi đã chia sẻ, theo sát cùng nhà trường và ngành giáo dục trong một năm học với quá nhiều khó khăn như năm học vừa qua.
“Đứng đầu không có nghĩa là tốt hết”
+ Mặc dù luôn đứng đầu cả nước ở môn tiếng Anh song ngay trong TP, khu vực nội thành và ngoại thành lại vẫn còn sự cách biệt về kết quả dạy và học ở môn ngoại ngữ. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào và ngành giáo dục sẽ có các giải pháp gì để tiến tới sự đồng đều, thưa ông?
– Quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM là nhiều năm liền đứng đầu không có nghĩa là mọi thứ đều tốt hết. Vì thế, ngành giáo dục luôn rà soát lại về công tác giảng dạy, chất lượng đội ngũ, việc đổi mới phương pháp… Làm sao để duy trì chất lượng trên bình diện chung và duy trì chất lượng thường xuyên, tránh đột biến. Điều này được ngành giáo dục thực hiện ở tất cả các bộ môn chứ không riêng gì môn tiếng Anh, với mục tiêu dạy thật học thật.
Thực tế cho thấy với một TP lớn như TP.HCM, bên cạnh những khu vực có sự thuận lợi hơn thì luôn có những khu vực độ tiếp cận về giáo dục còn hạn chế như khu vực ngoại thành. Với những địa bàn này, Sở GD-ĐT có thêm các giải pháp giúp bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ, nâng cao chất lượng giáo dục của môn ngoại ngữ. Quan trọng hơn cả là xây dựng các chế độ thu hút thầy cô giáo có trình độ, chuyên môn cao đến công tác và gắn bó ở các địa bàn khó khăn…
Trong Chương trình GDPT 2018, Đề án dạy học ngoại ngữ và tin học sẽ tiếp tục được ngành giáo dục triển khai qua việc bổ sung thêm tiếng Anh tăng cường, giảng dạy tiếng Anh trong chương trình nhà trường, hỗ trợ nâng cao thêm năng lực tiếng Anh cho học sinh. Ngoài chương trình SGK thì TP.HCM còn có các tài liệu khác để hỗ trợ giảng dạy cho học sinh. Nhiều khi chính thầy cô cũng chủ động soạn các bài giảng phù hợp với mức độ học sinh.
Tiếp tục tham mưu chế độ chính sách tốt hơn cho giáo viên
+ Nhiều năm nay việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh luôn là bài toán khó của ngành giáo dục, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Để thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018 cũng như thực hiện tốt các đề án về ngoại ngữ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP, ngành giáo dục đã tính toán đến những giải pháp nào để giải bài toán này, thưa ông?
– Việc đào tạo giáo viên tiếng Anh hàng năm luôn được Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với các trường đại học có đào tạo về sư phạm như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn để đặt hàng, đăng ký số lượng chỉ tiêu. Để triển khai hiệu quả Chương trình GDTP 2018 cũng như thực hiện hiệu quả các đề án đặc thù của ngành giáo dục, công tác đặt hàng này ngày càng được Sở GD-ĐT TP.HCM đẩy mạnh, chú trọng.
Công tác tuyển dụng giáo viên cũng được TP thực hiện theo hình thức đẩy mạnh trao quyền phân cấp tuyển dụng cho 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Năm nay công tác tuyển dụng được sở mở rộng phân cấp thêm cho các trường THPT thực hiện theo mô hình trường chất lượng cao “tiên tiến, hội nhập quốc tế” và các trường THPT ở huyện Cần Giờ, tạo điều kiện để các địa phương tuyển dụng được đội ngũ phù hợp nhất.
Tuy vậy, thực tế chế độ chính sách của ngành giáo dục chưa thực sự đảm bảo trong việc thu hút giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh. Điều này phần nào khiến các đơn vị gặp khó trong công tác tuyển dụng giáo viên phù hợp, giáo viên chất lượng cao ở bộ môn tiếng Anh và nhiều bộ môn đặc thù khác, nhất là khu vực ngoại thành.
Tháo gỡ về khó khăn này, một mặt ngành giáo dục đẩy mạnh công tác tuyển dụng theo hướng thu hút, hỗ trợ thêm chính sách, một mặt đưa đào tạo bồi dưỡng giáo viên tại chỗ nâng cao chất lượng. Quan trọng nhất là chính sách thu hút, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục có những tham mưu, đề xuất về các chế độ chính sách tốt hơn cho thầy cô để làm sao thu hút được nhiều hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành. Trong đó quan tâm làm sao nâng cao được chế độ lương cho tất cả giáo viên chứ không chỉ riêng giáo viên tiếng Anh…
+ Xin cảm ơn ông!
Khương Yến (thực hiện)
Bình luận (0)