Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng cường chống trục lợi trong nhà ở xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Vấn đề này được ông Tô Đình Tuân – Tổng Biên tập Báo Người Lao Động nêu ra tại Hội thảo “Đột phá phát triển nhà ở xã hội”, do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 28-3.


Theo tính toán của TP.HCM, một số căn hộ tái định cư đang để trống sẽ được chuyển mục đích sử dụng sang nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu mua của người có thu nhập thấp

Theo ông Tuân, giấc mơ an cư lạc nghiệp đối với người lao động, công nhân là giấc mơ rất lớn. Khi có một mái ấm, nơi đi về sau một ngày làm việc mệt nhọc sẽ giúp người lao động nghỉ ngơi, phục hồi. Tuy nhiên, chính sách nhà ở xã hội vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó về thể chế, nguồn vốn, lãi suất, quỹ đất hạn hẹp, một số địa phương không có quỹ đất.

Đúc kết một số giải pháp, ông Tuân nhấn mạnh cần thay đổi quan điểm, cách tiếp cận vấn đề, cần xác định rõ nhà ở xã hội là kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thủ tục pháp lý như điều chỉnh quy hoạch cần hợp lý hơn. Cần xây dựng nguồn vốn bền vững, trong đó nhà nước có cơ chế đặc biệt, còn ngân hàng cho vay với lãi suất hợp lý.

Bên cạnh đó, cần chủ động tạo quỹ đất ở các khu đô thị lớn; nhà ở xã hội cần có thiết kế linh hoạt, phù hợp với từng địa phương. Phải xác định xây dựng nhà ở xã hội đúng nơi đối tượng cần, không xây dựng tràn lan; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu nhà ở xã hội, dữ liệu hiện nay còn lẻ mẻ. Đặc biệt, “cần phải tăng cường chống trục lợi trong nhà ở xã hội; tăng cường hơn nữa thông tin truyền thông về nhà ở xã hội”, ông Tuân nhấn mạnh.

Theo ban tổ chức, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay là rất lớn và cấp bách. Số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022 cho thấy nhu cầu nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.

Việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30-11-2011.

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án nhà ở xã hội nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất…

Tại hội thảo, với khoảng 20 ý kiến chia sẻ từ các nhà quản lý cũng như các chuyên gia, doanh nghiệp và công nhân.

Nói về câu chuyện cung cầu nhà ở xã hội, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho biết mới chỉ đạt 62% kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2020.

Theo ông Lực, không phải bây giờ mới làm xã ở xã hội, chúng ta đã có kinh nghiệm về chuyện này. Nhiều ngân hàng có chính sách cho vay để phát triển nhà ở xã hội. Đối với chương trình phụ hồi và phát triển có 15.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội… Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều cần phải bàn khi việc đầu tư, thị trường nhà ở xã hội gặp khó khăn, thách thức.

Đó là chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu và cách tiếp cận. Còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và không thực thi. Quy hoạch và quỹ đất "vừa thiếu vừa thừa"; giải phóng mặt bằng cực kỳ khó khăn; nguồn vốn chưa bền vững; lợi nhuận từ các dự án nhà ở xã hội chưa thu hút.

Mặt khác, vướng mắc về trình tự, thủ tục mua, thuê nhà ở xã hội; hoạt động thanh kiểm tra phức tạp; doanh nghiệp chưa đầu tư vào công nghệ; không biết, không dự báo được nhu cầu.

Đề xuất các nhóm giải pháp, kiến nghị tại hội thảo, ông Lực cho rằng đầu tiên là phải thay đổi quan điểm và cách tiếp cận. Phải coi đây là chính sách kinh tế nhân văn, mang ý nghĩa về kinh tế và an sinh xã hội.

Đồng thời, cần xây dựng một đề án tổng thể, căn cơ, bài bản; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý, quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất. Cùng với đó, quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển nhà ở xã hội; phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về nhà ở xã hội…

Cũng chỉ ra nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội, ông Phạm Đăng Hồ – Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, lĩnh vực này chịu tác động của 6 đạo luật. Trong khi đó, chính sách thì có nhưng các thông tư, hướng dẫn chi tiết nên ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở xã hội.

Theo đại diện Sở Xây dựng TP.HCM, trên cơ sở rà soát các vướng mắc, thành phố đã hệ thống lại và ban hành quy trình thủ tục làm dự án nhà ở xã hội để rõ ràng các bước ở các cơ quan để thành phố kiểm soát tiến độ, nhà đầu tư biết lộ trình, quy chế phối hợp giữa các sở ban ngành.

Thành phố cũng công bố chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, góp phần vào việc thực hiện đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ.

Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tính toán thiết kế nhà ở xã hội để giảm giá thành. Sở Xây dựng cũng sẽ tham mưu đề án hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, trong đó có cơ chế trích tiền lương đưa vào từ 2-3 năm để có quỹ nhà ở xã hội trong tương lai.

Trong dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54, TP.HCM cũng kiến nghị nhiều cơ chế, chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị bổ sung các quỹ đất khác để phát triển nhà ở xã hội chứ như hiện nay phải chỉ là đất ở như hiện nay. 

N.Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)