Sự kiện giáo dụcTin tức

Tăng cường đào tạo nghề cho người lao động trên địa bàn TP.Thủ Đức 

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 18-9, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát với UBND TP.Thủ Đức về công tác quản lý Nhà nước về lao động, việc làm trên địa bàn trong giai đoạn 2020-2025.

Báo cáo tại buổi giám sát, ông Nguyễn Kỳ Phùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức cho biết trong giai đoạn 2020-2025, TP.Thủ Đức đã triển khai các chính sách về lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm và đào tạo nghề cho người dân trên địa bàn. Qua đó, giúp người dân có nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống.

Đoàn giám sát của HĐND TP.HCM làm việc với UBND TP.Thủ Đức. Ảnh: SGGP

Theo ông Phùng, tính đến nay trên địa bàn TP.Thủ Đức có hơn 52.290 doanh nghiệp đang hoạt động, sử dụng khoảng 297.458 lao động. Trong đó, có 7.992 công ty cổ phần, 23.859 công ty TNHH một thành viên, 18.926 công ty TNHH hai thành viên trở lên và có 1.513 doanh nghiệp tư nhân.

Đến nay, TP.Thủ Đức đã tạo việc làm mới cho 21.154 lao động; tỷ lệ thất nghiệp duy trì dưới 3%. Tính đến 30-6 năm nay, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ, giấy chứng nhận là 261.611 người, đạt 88% tổng số lao động đang làm việc. Ngoài ra, TP.Thủ Đức cũng đã hỗ trợ các khoản vốn vay như giảm nghèo, giải quyết việc làm, học sinh sinh viên… cho 21.420 hộ gia đình với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng.

Theo UBND TP.Thủ Đức, ngoài những kết quả đạt được, công tác quản lý về lao động và việc làm trên địa bàn vẫn còn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, chính sách chỉ hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, chưa đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp; chi phí hỗ trợ đào tạo nghề thấp so với bình quân học phí; công tác phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học để đi học nghề còn hạn chế.

Phát biểu tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị TP.Thủ Đức tiếp tục chú trọng, tăng cường công tác đào tạo nghề cho người lao động và quan tâm đến vấn đề đời sống, nhà ở cho các lao động.

Đồng thời, có kế hoạch, chiến lược dài hạn trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt vai trò kết nối giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và thị trường lao động; nghiên cứu các mô hình giới thiệu việc làm hiệu quả, kết nối thông tin giữa người lao động và doanh nghiệp được tốt hơn.

Cũng tại buổi giám sát, bà Nguyễn Thị Minh Hòa – Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.Thủ Đức cho biết, tình hình doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội có diễn biến phức tạp. Đặc biệt từ sau dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp sử dụng lao động nợ kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Về vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP.HCM đề nghị TP.Thủ Đức tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động về trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc trốn hoặc chậm đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp để tránh khiếu kiện tập thể, tranh chấp lao động.

Trần Hướng

Bình luận (0)