Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo thông tư quy định chi tiết một số điều trong Nghị định 86 quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có đề cập đến nguyên tắc tích hợp chương trình giáo dục Việt Nam với nước ngoài bắt buộc với học sinh Việt Nam. Dự thảo trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều cán bộ quản lý, giáo viên.
Học sinh trường quốc tế cần được học thêm về tiếng Việt để phát triển toàn diện. Trong ảnh: Giáo viên một trường quốc tế hướng dẫn học sinh học nhóm
Theo cô Nguyễn Đoan Trang (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, Q.1), hiện nay ở TP.HCM, các trường 100% yếu tố nước ngoài không nhiều, đa phần là trường có một phần yếu tố quốc tế. Ở những trường 100% yếu tố nước ngoài, cô Trang cho hay học sinh vẫn được học tiếng Việt nhưng rất nhẹ nhàng, không đặt nặng cũng không có những yêu cầu cao. Tương tự, ở các trường có một phần yếu tố quốc tế, dù tiếng Việt được quan tâm hơn nhưng quan trọng là phụ huynh vẫn yêu cầu cao ở tiếng Anh. “Không phụ huynh nào cho con mình vào học trường quốc tế để… học tiếng Việt cả. Vì thế ngay từ yếu tố tâm lý, phụ huynh đã có quan niệm rằng đã vào trường quốc tế là chỉ chú trọng đến tiếng Anh”, cô Trang khẳng định. Thế nhưng, cô Trang phân tích rằng, đôi khi chính việc phụ huynh chỉ quan tâm phát triển ngôn ngữ khác cho trẻ mà hạn chế phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ vô tình “đẩy” trẻ vào sự lúng túng khi hòa nhập cuộc sống sau này như yếu về kỹ năng giao tiếp hay đơn giản là hiểu và trình bày một vấn đề kém.
Chưa hết, một nghịch lý được cô Trang đưa ra ở đây là nhiều gia đình Việt Nam khi định cư ở nước ngoài, họ vẫn cố gắng tạo môi trường tốt nhất có thể để duy trì “tiếng mẹ đẻ” cho con mình, nhắc nhở con nhớ về nguồn cội. Trong khi đó, nhiều gia đình ở Việt Nam lại tìm mọi cách để con mình nói sõi tiếng Anh mà không mấy chú trọng đến tiếng Việt. “Nhiều phụ huynh chia sẻ một cách hãnh diện rằng, gia đình phải thuê gia sư về dạy tiếng Việt cho con vì con rành… tiếng Anh hơn. Theo tôi, giỏi tiếng Anh hay giỏi bất cứ ngoại ngữ nào là điều tốt. Thế nhưng, mình là người Việt, điều đầu tiên và cốt lõi là mình phải rành tiếng Việt trước để hiểu và yêu tiếng nước mình, yêu văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc mình”, cô Trang nhìn nhận.
Từng có thời gian dài giảng dạy ở môi trường công lập và quốc tế, cô Nguyễn Thị Liễu (giáo viên một trường quốc tế tại TP.HCM) thừa nhận: “Đúng là trong môi trường quốc tế, so với môi trường công lập thì tiếng Việt hiện đang yếu thế”. Thậm chí, cô Liễu còn cho hay, nhiều học sinh ở trường quốc tế nơi cô dạy, các em “rành tiếng Anh hơn tiếng Việt”. Nhiều em gặp khó khăn thật sự khi tham gia làm việc nhóm hay phải trình bày một vấn đề nào đó bằng tiếng Việt. Ít học sinh cũng như phụ huynh đặt nặng việc “học trường quốc tế phải giỏi cả tiếng Việt”. Có những bài văn, học sinh lớp 8, 9 nhưng viết rất ngô nghê, thiếu và yếu vốn từ… “Có phụ huynh, khi thấy giáo viên người Việt nói chuyện bằng tiếng Việt với con còn góp ý là cô nên nói chuyện với các em bằng tiếng Anh bởi đây là trường quốc tế!”, cô Liễu cho hay.
Chuyên gia giáo dục toàn cầu, ThS. Tô Thị Diễm Quyên cho biết hiện nay một số trường quốc tế do người nước ngoài làm hiệu trưởng. Vì vậy, họ nhìn nhận giá trị văn hóa cũng như những yếu tố văn hóa Việt Nam chưa bao quát và toàn diện. “Tôi từng biết một câu chuyện bi hài ở một trường quốc tế nọ, vị hiệu trưởng khi xếp thời khóa biểu đã bỏ hết các tiết tiếng Việt, thay thế hoàn toàn bằng các tiết tiếng Anh với quan niệm là trường quốc tế thì chỉ được học… tiếng quốc tế”, bà Quyên chia sẻ.
Theo dự thảo, Bộ GD-ĐT yêu cầu trẻ em Việt Nam học tại trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài phải được giáo dục phát triển ngôn ngữ tiếng Việt, có khả năng nghe, nói và sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày. Học sinh tiểu học phải được cung cấp kiến thức ban đầu về tiếng Việt, văn hóa, con người Việt Nam thông qua chương trình tiếng Việt với thời lượng không ít hơn 140 phút/tuần. Học sinh THCS, THPT học chương trình Việt Nam không ít hơn 90 phút/tuần về lịch sử, địa lý, văn hóa, truyền thống, phong tục tập quán của Việt Nam. |
Bên cạnh đó, theo bà Quyên, chính phụ huynh cũng đồng quan điểm “con mình chỉ cần học tiếng Anh, không đòi hỏi quyền lợi về tiếng Việt”. Nhiều phụ huynh còn “sướng ra mặt” khi thấy con mình được học tăng cường tiếng Anh thay các tiết học tiếng Việt. “Những đòi hỏi này của phụ huynh cũng chính đáng, bởi suy cho cùng khi phụ huynh cho con học trường quốc tế cũng là mong muốn con nói tốt tiếng Anh. Tuy nhiên, phụ huynh đã không đánh giá đúng và sâu kết quả của nhu cầu đó, dẫn đến tính cực đoan, mất đi giá trị thực sự của một đứa trẻ. Từ đó dẫn đến tình trạng nhiều trẻ người Việt, lớn lên ngay trên đất Việt mà ngô nghê về tiếng Việt và hổng về các giá trị văn hóa Việt. Nhiều phụ huynh phải đi học tiếng Anh để nói chuyện với con, trong khi con lớn lên và học tập ở Việt Nam. Điều này có cái gì đó bất hợp lý, thậm chí là báo động”, bà Quyên cảnh báo.
Vì vậy, bà Quyên đánh giá việc Bộ GD-ĐT đề cập đến nguyên tắc tích hợp chương trình giáo dục Việt Nam với nước ngoài, quy định nội dung bắt buộc về học tiếng Việt cho học sinh Việt Nam tại các trường quốc tế là hết sức cần thiết để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc. Theo đó, đi kèm với quy định, bà Quyên đề xuất cần phải có chế tài, phải có những kênh để giám sát cách thực hiện, triển khai tại các trường quốc tế. Nếu vi phạm thì phải phạt thật nặng chứ không thể mang tính… phủi bụi. “Quan trọng hơn cả là phải “đánh động” tâm lý phụ huynh. Để phụ huynh có sự nhìn nhận đúng đắn về giá trị của tiếng Việt trong sự phát triển của trẻ. Tiếng Anh rất quan trọng để hội nhập nhưng chỉ là công cụ, còn tiếng Việt mới là hồn cốt, là bản sắc văn hóa, là gốc gác. Là người Việt Nam mà không biết, không hiểu, không yêu tiếng Việt thì những đứa trẻ đó khi lớn lên cũng chỉ là những đứa trẻ vay mượn về gốc gác, sẽ bị hòa tan trong bất cứ môi trường nào”, bà Quyên nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)