Sự kiện giáo dụcTin tức

Tăng cường định hướng phân luồng học sinh sau THCS giai đoạn 2023-2025

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 22-6, Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị ký kết chương trình về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025.


Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM cùng ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thực hiện việc ký kết

Tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM – khẳng định, giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân, có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế và là nơi cung ứng nhân lực qua đào tạo cho thị trường.

Theo ông Thinh, TP.HCM hiện có 370 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hàng năm có hơn 250.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho thị trường lao động trên địa bàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận.

“Để có được nhiều kết quả ấn tượng trong công tác tuyển sinh và đào tạo nghề hàng năm không thể không kể đến sự chung tay, góp sức của ngành GD-ĐT TP.HCM trong công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh chuẩn bị tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp. Với mong muốn tăng cường hơn nữa sự phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM, chúng tôi quyết định ký kết chương trình về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối học sinh THCS và THPT giai đoạn 2023-2025”, ông Thinh chia sẻ.

Chương trình hợp tác gồm 5 nội dung: Thứ nhất, phối hợp triển khai thực hiện có chất lượng các nội dung chỉ đạo tại Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và Kế hoạch số 1910/KH-UBND ngày 10-5-2023 của UBND TP.HCM về triển khai thực hiện chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trên địa bàn TP.HCM.

Thứ hai, tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp.

Thứ ba, thực hiện định kỳ 3 tháng/lần việc trao đổi thông tin theo biểu mẫu thu thập thông tin của đôi bên.

Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.

Thứ năm, phối hợp và phát huy thế mạnh của đôi bên, cùng nhau hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho hay, hiện nay tỉ lệ học sinh sau THCS vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất thấp trong đó số lượng học sinh ở tỉnh nhiều hơn so với học sinh ở TP.HCM. Cho nên công tác định hướng, phân luồng quan trọng, giúp các em thấy được lợi ích của việc học nghề để các em lựa chọn. Bên cạnh đó, việc quản lý lao động ngoài xã hội vẫn còn nhiều bất cập, nhiều lao động chưa qua đào tạo.

“Thông qua sự hợp tác này, chúng tôi mong muốn các em học sinh sau khi tốt nghiệp trung học hãy chọn một ngôi trường dù cao đẳng, trung cấp, trường nghề… để tiếp tục theo học. Chúng tôi cũng rất mong tất cả lao động trên thị trường đều thông qua đào tạo để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội”, ông Hiếu bày tỏ.

Tại hội nghị, các đơn vị giáo dục nghề nghiệp cũng có dịp thảo luận, chia sẻ về công tác tuyển sinh. Phần lớn, đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều cho rằng công tác tuyển sinh hiện gặp nhiều khó khăn và mong muốn Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP.HCM phối hợp cùng Sở GD-ĐT TP.HCM có những giải pháp để giúp các trường hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Hồ Trinh

Bình luận (0)