Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng cường đối thoại giữa học sinh và nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Việc xếp thời khóa biểu chưa hợp lý; giáo viên cho bài tập quá nhiều; nhiều giáo viên xúc phạm học sinh (HS), trêu đùa về vấn đề giới tính của các em… là những phản ảnh của HS lên ban lãnh đạo nhà trường trong buổi đối thoại trực tiếp giữa HS và nhà trường mới đây tại một trường THPT ở Q.Tân Phú (TP.HCM). Thực hiện chủ trương của ngành giáo dục, hiện nay, nhiều trường phổ thông đã tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp với HS. Đây là hoạt động rất cần có, nó tạo điều kiện cho HS được phản ảnh những vấn đề bức thiết của các em về việc học hành, sinh hoạt. Nó phát huy tinh thần dân chủ trong nhà trường, kéo gần khoảng cách giữa nhà trường và HS, giúp việc dạy học tốt hơn, nâng cao hiệu quả giáo dục. Dẫu rằng, nhiều trường có nhiều cách làm khác như tạo hộp thư nóng, cung cấp địa chỉ email của ban lãnh đạo cho HS phản ánh, cho HS cốt cán để nắm bắt thông tin trong HS…, nhưng tất cả những cách làm trên không hiệu quả bằng đối thoại trực tiếp. Nếu có chỗ để các em trao đổi, giãi bày, sẽ hạn chế được nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra. Như những vụ HS thiếu chỗ dựa tinh thần, dẫn đến những việc làm đau xót như vừa qua. Cũng trong buổi đối thoại trên, với tinh thần luôn lắng nghe, lãnh đạo nhà trường và giáo viên mới thấu hiểu được HS nhiều hơn về tất cả các mặt hoạt động và học tập. Mà dễ thường, nếu chủ quan, lãnh đạo nhà trường và giáo viên khó nhận thấy. Việc các em bị “đì” trong việc học; việc HS đòi đổi giáo viên; những bất hợp lý trong việc tổ chức kiểm tra trên các phần mềm bằng điện thoại thông minh; đến việc nhà vệ sinh thường bị mất nước… Và còn vô số những bức xúc khác nữa, mà theo chúng tôi, bất cứ trường học nào cũng có, nếu nhà trường cầu thị lắng nghe HS. Tuy nhiên, từ lắng nghe để thấu hiểu đến hành động, khắc phục là cả một khoảng cách. Ở nhiều trường, các vấn nạn ấy cứ lặp đi lặp lại hằng năm là do lãnh đạo nhà trường không giải quyết triệt để. Vả lại, thường vào giữa năm học các buổi đối thoại này mới được tổ chức, là còn chậm. Theo chúng tôi, cần tổ chức sớm hơn, nhiều lần trong một năm. Để hiệu quả hơn, trong các buổi đối thoại này cần có sự tham gia của ban đại diện cha mẹ HS để cùng trao đổi, giải quyết những mong mỏi của các em.

Trn Nhân Trung

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)