Trước thực trạng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta còn ở mức cao, chiếm tới 24,6%; tỷ lệ thừa cân – béo phì đang có xu hướng gia tăng nhanh, chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý, thiếu vận động thể lực làm gia tăng nguy cơ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm; tầm vóc của người Việt Nam chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều nước trong khu vực… Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 46/CT-TTg (ngày 21-12-2017) về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới, trong đó có nội dung đáng chú ý là yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo các trường không quảng cáo và kinh doanh đồ uống có cồn, nước ngọt có ga và các thực phẩm không có lợi cho sức khỏe trong trường học.
Qua quan sát, chúng tôi thấy hầu hết các trường học hiện nay đều có căng tin hoặc hàng quán xung quanh bán quà vặt cho học sinh, trong đó không thể thiếu các loại nước ngọt. Đặc biệt với những hàng quán bên ngoài không có được sự kiểm soát, nhắc nhở của nhà trường về vệ sinh an toàn thực phẩm, họ không chỉ bán những loại đồ uống có thương hiệu, các hãng có uy tín sản xuất, mà ở đó còn bày bán nhiều loại nước ngọt không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có các thông tin về thành phần, hạn sử dụng cũng như những cảnh báo độc hại trên bao bì. Nhìn những em nhỏ vô tư mua những loại đồ uống với đủ màu sắc, giá cả chỉ 2.500-3.000 đồng một chai hoặc được cho vào bịch ni-lông rất phù hợp với túi tiền của nhiều học sinh thì liệu sử dụng lâu dài sẽ gây tác hại như thế nào với sức khỏe.
Để thực hiện một cách hiệu quả Chỉ thị 46/CT-TTg trong thời gian tới đòi hỏi nhà trường và các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh an toàn thực phẩm cho học sinh cũng như cộng đồng dân cư. Để mọi người nhận thức tác hại đến sức khỏe của các loại nước ngọt có ga nói riêng, thực phẩm không an toàn nói chung. Đặc biệt, phụ huynh là người có yếu tố quan trọng nhất trong việc nhắc nhở, giáo dục, khuyên răn con cái chọn lựa thực phẩm, thức uống nào đảm bảo, tránh xa những sản phẩm có hại cho sức khỏe để các em không mua sử dụng.
Văn Thi Hoàng (Quảng Nam)
Bình luận (0)