Bộ GD-ĐT vừa qua đã thông tin về việc khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Đức Thái và một số cá nhân ở Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra một số nội dung khác có liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản này.
Vấn đề liên quan đến sách giáo khoa được nhiều cử tri quan tâm
Theo đó, vào ngày 13-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD-ĐT”; khởi tố và bắt bị can có liên quan để tạm giam, khám xét.
Những sai phạm diễn ra từ năm 2014-2019
Bộ GD-ĐT cho biết, việc thanh tra, kiểm tra hoạt động Công ty TNHH Một thành viên Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được bộ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện. Theo đó, trong năm 2022, căn cứ kết quả thanh – kiểm tra, trên cơ sở kết luận và quyết định thi hành kỷ luật của Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương cùng các kết quả kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngày 5-7-2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký Quyết định số 1886/QĐ-BGDĐT thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Đức Thái (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Theo quyết định thi hành kỷ luật, ông Nguyễn Đức Thái đã có những vi phạm như: Có khuyết điểm, vi phạm chính sách pháp luật của Nhà nước trong chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện sản xuất, kinh doanh, biên soạn, in ấn, kê khai, phát hành sách giáo khoa mới; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy, Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, dẫn đến không kịp thời phát hiện nghị quyết ban hành trái pháp luật của Nhà nước.
Những sai phạm của ông Nguyễn Đức Thái và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam diễn ra chủ yếu trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2019. Ông Nguyễn Đức Thái đã nghỉ công tác từ tháng 12-2022.
Trên tinh thần thực hiện kịp thời, nghiêm túc các kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ và những kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, Bộ GD-ĐT đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị cùng Bộ Công an nhằm xử lý nghiêm minh sai phạm của những cá nhân, tổ chức liên quan theo đúng quy định của pháp luật.
Một hoạt động học về chữ cái của trẻ
Bộ GD-ĐT đang và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra một số nội dung khác có liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ GD-ĐT hiện cũng đang chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát, khắc phục những hạn chế, tồn tại, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh giản, quản lý chặt chẽ, đúng luật, đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả; nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức và tâm lý cán bộ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Trong đó, ưu tiên đảm bảo các hoạt động biên tập, xuất bản, in và phát hành sách giáo khoa theo đúng kế hoạch, đảm bảo tiến độ, chất lượng, phục vụ yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.
Tăng cường giám sát việc biên soạn sách giáo khoa
Vừa qua, cử tri tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân nếu có liên quan đến vi phạm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Về vấn đề này, Bộ GD-ĐT thông tin rằng, hiện nay, quy trình biên soạn sách giáo khoa được các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của Luật Xuất bản, bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về sách giáo khoa. Ngoài ra, thực hiện việc xã hội hóa khâu biên soạn sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT. Các bài học trong sách giáo khoa thể hiện đúng, đủ, rõ mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học, hoạt động giáo dục. Sách giáo khoa các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 đã được phê duyệt và đưa vào sử dụng; đã đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa từ khâu biên soạn, thẩm định, lựa chọn và sử dụng sách. Việc lựa chọn sách giáo khoa được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Trong đó, quy trình lựa chọn sách giáo khoa được quy định tại Điều 8. Các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cấp tỉnh dựa trên kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông, đồng thời báo cáo ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quá trình lựa chọn và tiếp thu kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ GD-ĐT đang và sẽ tiếp tục thanh tra, kiểm tra một số nội dung khác có liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ GD-ĐT hiện cũng đang chỉ đạo Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát, khắc phục các hạn chế, tồn tại, tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh giản, quản lý chặt chẽ, đúng luật, đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả; nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức và tâm lý cán bộ, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. |
Như vậy, bộ cho rằng, các quy định của thông tư bảo đảm tính dân chủ, công khai và minh bạch trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa. Trong năm qua, Bộ GD-ĐT đã kiểm tra, thanh tra 14 tỉnh, thành phố. Kết quả cho thấy các cơ sở giáo dục phổ thông và hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đã thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa đúng theo quy định; kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các hội đồng môn học trùng với kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ GD-ĐT cho biết tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra địa phương trong việc lựa chọn sách giáo khoa; phát hiện những vướng mắc và xử lý các tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa nếu có.
Mê Tâm
Bình luận (0)