Công tác giáo dục ATGT trong trường học đã được Bộ GTVT và Bộ GD-ĐT phối hợp thực hiện từ đầu thập kỷ 90. Từ đó đến nay công tác này ngày càng đạt hiệu quả ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, trong bối cảnh TNGT đường sắt ngày càng tăng do nguyên nhân chủ quan, ngành đường sắt đang có đề xuất đưa giáo dục ATGT đường sắt vào học đường, nhằm góp phần xây dựng được thế hệ có kỹ năng và ý thức tốt khi tham gia giao thông.
Công tác giáo dục ATGT trong trường học ngày càng được chú trọng nhằm góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho HSSV |
Giáo dục ATGT ngày càng đạt hiệu quả
Theo thông tin từ Vụ Công tác HSSV (Bộ GD-ĐT), công tác giáo dục ATGT trong các nhà trường được thực hiện từ đầu thập kỷ 90. Từ đó đến nay, hệ thống cơ sở pháp lý và tài liệu cho các cấp học được biên soạn, sửa đổi và triển khai rộng khắp trong toàn quốc. Theo đó, các chỉ thị về tăng cường công tác giáo dục ATGT trong các cơ sở GD-ĐT; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, xử lý các vi phạm pháp luật về trật tự ATGT trong HSSV được đặc biệt chú trọng. Đặc biệt, các đơn vị phối hợp đã triển khai phát động cuộc vận động: “HSSV gương mẫu thực hiện và vận động gia đình chấp hành nghiêm túc Luật Giao thông” trong toàn ngành giáo dục từ năm học 2007-2008. Đồng thời cơ quan chức năng đã ban hành đề cương tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho HSSV; quy chế quy định đua xe hoặc cổ vũ đua xe trái phép là một trong những hành vi HSSV không được làm, nếu vi phạm sẽ bị xử lý từ khiển trách đến buộc thôi học. Cũng từ đó đến nay, tuần tự từng năm, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn đầu năm học mới, các đợt cao điểm thi tuyển sinh, Tết Nguyên đán; đồng thời chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các tiêu chí Văn hóa giao thông đối với từng cấp học; đưa công tác giáo dục ATGT lồng ghép với phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bên cạnh hệ thống cơ sở pháp lý chỉn chu, tài liệu giảng dạy ATGT cũng được biên soạn và tổ chức giảng dạy cho các bậc học từ mầm non đến ĐH. Trong đó gồm có sách giáo khoa, tài liệu giáo dục ATGT, bộ tranh ATGT, sa bàn nút giao thông, mô hình tín hiệu giao thông, dụng cụ biển báo giao thông đường bộ, đĩa hình tiết dạy mẫu về ATGT và tuyên truyền về Luật Giao thông cho học sinh các cấp…
Tiến sĩ Trần Hữu Minh (Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia) khẳng định: “Giáo dục luôn là một trong những công cụ quan trọng nhất nhằm góp phần hình thành nhận thức đúng đắn, đầy đủ cho HSSV. Qua đó giúp cho các em có hành vi đúng và tuân thủ pháp luật. Bởi vậy, giáo dục ATGT đường sắt là giải pháp quan trọng góp phần nâng cao ATGT cho cả đường sắt và đường bộ trong thời gian sắp tới”. |
Đặc biệt, trong nhiều năm qua cơ quan chức năng đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh triển khai chương trình “HSSV tình nguyện” nhằm bảo đảm trật tự ATGT trong các kỳ thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH-CĐ; thành lập “Đội cờ đỏ”, “Thanh niên tình nguyện”, “Thanh niên xung kích” tham gia giữ gìn trật tự ATGT trong các giờ tan học và giờ đến trường; đưa chủ đề ATGT vào nội dung sinh hoạt lớp, Chi đoàn, Đội Thiếu niên, câu lạc bộ… Có thể nói từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 32 của Chính phủ, công tác giáo dục ATGT trong nhà trường đã có nhiều chuyển biến rõ rệt, giúp nhận thức về ATGT và văn hóa khi tham gia giao thông của HSSV ngày càng được nâng cao và đi vào nề nếp. Nhằm tiếp tục tăng cường giáo dục ATGT cho HSSV trong năm học mới 2018-2019, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường thực hiện biện pháp tuyên truyền và giáo dục kiến thức về ATGT cho các em. Đồng thời phát động “Tháng cao điểm ATGT cho học sinh tới trường – tháng 9 năm 2018”; tiếp tục triển khai bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh tiểu học, THCS đến phòng giáo dục các quận, huyện; phối hợp với Ban ATGT TP và các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi “Giao thông học đường” năm học 2018-2019 cho HS THCS và THPT.
Mở rộng giáo dục ATGT đường sắt
Theo báo cáo của văn phòng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm, các chỉ tiêu về ATGT đường sắt đều giảm trên cả 3 tiêu chí, với số vụ tai nạn là 140 vụ (giảm 26 vụ). Tuy nhiên trong quý 2, mức độ nghiêm trọng của TNGT đường sắt và sự cố chạy tàu do chủ quan có dấu hiệu gia tăng. Do đó, bên cạnh quyết định giảm 10% giá vé cho HS nhập học vào các trường ĐH-CĐ, học viện, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và thân nhân đi cùng (thời gian áp dụng đến ngày 31-12-2018), ngành đường sắt đã có đề xuất đưa giáo dục ATGT đường sắt vào chương trình giáo dục ATGT cho các cấp học.
Ông Trần Ngọc Lâm (Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) cho biết, thông qua hệ thống giáo dục, tổng công ty dự kiến sẽ phổ biến Luật Đường sắt, các hành vi vi phạm ATGT đường sắt trong các buổi chào cờ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa tại các trường học kết nghĩa nằm dọc hai bên đường sắt… Đồng thời tổ chức cuộc thi tìm hiểu kiến thức, cuộc thi vẽ tranh với chủ đề ATGT đường sắt; thực hiện các buổi tình nguyện làm vệ sinh đường sắt; triển khai các phong trào: “Em yêu đường sắt quê em”; “Đoạn đường em chăm”, “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”…
Vũ Phương
Bình luận (0)