Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

Tăng cường giáo dục cho nữ giới ở vịnh Muhuru

Tạp Chí Giáo Dục

Phụ nữ Kenya ngày nay được giúp đỡ rất nhiều để tiếp cận được con chữ, điều trước đây chỉ là giấc mơ (ảnh minh họa). Ảnh: I.T
Carol Gor, 36 tuổi nghĩ rằng cơ hội học cấp 2 của mình đã chấm dứt 11 năm trước khi cha mẹ cô, những người sống bằng nghề đánh cá ở hồ Victoria, không thể trang trải nổi học phí. Sau đó, cô ở nhà thêm vài năm nữa, lập gia đình rồi có con.
“Khi tôi hoàn thành bậc tiểu học lúc 15 tuổi, tôi hy vọng cha mẹ mình bằng cách nào đó sẽ có tiền cho con học tiếp cấp 2. Nhưng đáng buồn là sự thật không như vậy. Dưới áp lực của đám bạn cùng trang lứa, tôi cũng nhanh chóng kết hôn và không lâu sau đó tôi đã là mẹ của năm đứa con. Tuy nhiên tôi không từ bỏ ước mơ được đi học nên đã thuyết phục chồng cho phép mình tiếp tục việc học đã bị bỏ dở”, Gor chia sẻ.
Vào năm 2009, Gor học để lấy bằng tốt nghiệp tiểu học của Kenya (KCPE) cùng đứa con lớn thứ 2 của mình. Lúc đó đứa con lớn của cô học gần xong cấp 2. Cô cũng tham gia vào một tổ chức phi chính phủ, nơi tài trợ cho một ngôi trường cấp 2 dành riêng cho nữ sinh, và học sinh ở đây được nhận học bổng toàn phần. “Tôi biết rằng cuộc sống của mình sẽ thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn nếu tôi được học hành. Tôi luôn mong ước trở thành một cô giáo để hướng dẫn và có thể làm gương cho rất nhiều bạn nữ ở đất nước này, những người đã bỏ học và sau đó sớm sinh con hoặc kết hôn”, Gor cho biết thêm.
Với dân số khoảng 25.000 người, vịnh Muhuru có rất nhiều bé gái có hoàn cảnh như Gor. Cơ hội được học cấp 2 của họ rất mỏng manh khi chỉ có bốn trường công trong vùng nhận học sinh nam và nữ vào học. Một số trường tư khác thì hoàn toàn nằm ngoài khả năng của những hộ gia đình nghèo.
Các viên chức nông nghiệp địa phương cho rằng chính sự thay đổi khí hậu đã làm thay đổi lượng cá trong khu vực. Do đó làm ảnh hưởng đến nghề đánh cá – hoạt động kinh tế chính trong vùng – dẫn đến tình trạng nghèo đói gia tăng tại vịnh Muhuru. Enos Kebeya, một nhân viên giáo dục tại vịnh Muhuru cho biết: “Tỉ lệ bỏ học của nữ sinh chủ yếu do việc kết hôn sớm, có thai trong độ tuổi vị thành niên, trẻ em mồ côi do HIV/AIDS và một số nguyên nhân khác bởi tác động của hoạt động đánh cá. Tuy nhiên, trong vòng ba năm trở lại đây, chúng tôi đã có những cải thiện đáng kể trong ngành giáo dục, đặc biệt là đối với học sinh nữ. Số lượng các em đến trường đã ngày càng nhiều hơn”.
Theo đó, số lượng nữ sinh đến trường đã tăng lên đáng kể, năm 2008 chỉ có từ 218 người đã tăng lên 252 người vào năm 2010. Enos nói thêm: “Chúng tôi đang cố gắng đảo ngược xu hướng này bằng cách tiến hành việc đánh giá thường xuyên hơn tại trường cũng như tổ chức những ngày hội giáo dục để nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giáo dục cho phụ huynh và học sinh”.
Đối với các nữ sinh, việc thành lập Viện Nghiên cứu và Giáo dục tiểu học cho nữ giới (viết tắt là WISER) cách đây hai năm đã giúp họ tiếp cận được con chữ, điều trước đây chỉ là một giấc mơ. Hiệu trưởng nhà trường, bà Dorcas Oyugi cho biết học viện này giống như một nhịp cầu nối liền khoảng cách trong giáo dục giữa hai giới. WISER cũng đưa vào một số môn học không có trong chương trình trung học của Kenya như ngôn ngữ ký hiệu, tiếng Pháp, kinh doanh và khoa học máy tính. “Chúng tôi cố gắng trợ giúp các em học sinh qua việc hướng dẫn cách suy nghĩ vấn đề và biết cách dùng lý lẽ để thuyết phục chứ không phải suy nghĩ điều gì. Đối với phái nữ, dù họ làm bất cứ điều gì, họ đều phải cố gắng gấp hai lần nhưng kết quả thu được thường chỉ đánh giá bằng một nửa năng lực của họ. Họ thật sự phải làm việc rất chăm chỉ”, bà Dorcas Oyugi nói thêm.
Marta Krajnik, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ về mảng nữ giới cho biết: “Các bé gái mồ côi và những em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ ưu tiên được chọn”.
Theo báo cáo năm 2010 của Tổ chức Giáo dục Nyanza, những năm gần đây số lượng học sinh nữ trong vùng sút giảm rất nhiều so với nam trong các kỳ thi quốc gia. Nạn nghèo đói, lạm dụng tình dục, thiếu sự ủng hộ và các hình mẫu để noi theo là một số nhân tố ảnh hưởng đến việc đến trường của các em nữ sinh. Eve Obara – người đứng đầu tổ chức cho rằng các bậc phụ huynh nên cố gắng mang đến cho các em nữ những nhu cầu cơ bản để tránh việc các em bị dụ dỗ bởi những người đàn ông hứa hẹn chu cấp cho họ.
(theo allafrica.com)
Ngọc Trúc

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)