Nhằm giúp các em học sinh dân tộc thiểu số thi tốt môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, một số trường THPT ở Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam đã tăng cường thêm giáo viên tiếng Anh hỗ trợ các em.
Trường THPT Phạm Phú Thứ – trường duy nhất ở Đà Nẵng có học sinh dân tộc thiểu số theo học – tăng cường ôn tập đến sát ngày thi |
Đưa giáo viên tiếng Anh hỗ trợ vùng cao
Những ngày này, hai trường THPT có nhiều học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số theo học ở Quảng Trị là A Túc (xã A Túc, huyện Hướng Hóa) và Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh được Sở GD-ĐT điều động giáo viên tiếng Anh từ các trường khác về tham gia hỗ trợ ôn tập cho học sinh. Thầy Dương Mạnh Hùng (Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh) cho biết trường có 99 học sinh khối 12. Đây là năm đầu tiên các em dự thi bắt buộc môn tiếng Anh, trong khi đó mặt bằng chung về môn này đối với các em dân tộc thiểu số còn khá khiêm tốn. Vì vậy, ngay từ khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế thi, Ban Giám hiệu nhà trường đã họp các tổ bộ môn, trong đó đặc biệt lưu ý bộ môn tiếng Anh chuẩn bị kế hoạch giảng dạy, ôn tập, bồi dưỡng kiến thức cho các em.
Thầy Hùng cho biết thêm, bên cạnh sự chuẩn bị chu đáo đó, trường được Sở GD-ĐT tăng cường thêm một giáo viên tiếng Anh có kinh nghiệm từ Trường THPT thị xã Quảng Trị nhằm hỗ trợ các giáo viên bộ môn trong trường như thống nhất nội dung ôn tập, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy học sinh thi tốt nghiệp cũng như kinh nghiệm làm bài thi tiếng Anh… Việc được tăng cường giáo viên bộ môn giúp cho giáo viên và học sinh trong trường có thêm kinh nghiệm ôn tập cũng như yên tâm hơn khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Tại Trường THPT A Túc, thầy Phạm Xuân Thảo (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết toàn trường có 78 học sinh khối 12, trong đó các em dân tộc thiểu số chiếm 90%. Thầy Thảo cho hay: “Để chuẩn bị tốt nhất cho các em học sinh, từ đầu năm học, trường đã chỉ đạo tổ bộ môn tăng cường lượng kiến thức, tiếp cận kỹ cấu trúc đề thi minh họa, rèn luyện kỹ năng làm bài thi trắc nghiệm môn tiếng Anh cho các em. Mặt khác, trường cũng kiến nghị với Sở GD-ĐT tăng cường thêm giáo viên tiếng Anh để hỗ trợ chuyên môn cho các giáo viên trong trường, hướng dẫn học sinh ôn tập nhằm hướng đến mục tiêu chống trượt”.
Ông Lê Văn Tính (Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị) cho biết: “Bên cạnh việc chỉ đạo các trường THPT tăng cường ôn tập cho học sinh nắm chắc kiến thức để tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017, sở còn tăng cường giáo viên bộ môn tiếng Anh có kinh nghiệm cho các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số nhằm hỗ trợ hướng dẫn ôn tập. Mục tiêu gần nhất là chống trượt, chống điểm liệt, sau đó sẽ hướng đến những điểm số cao hơn…”.
Tập trung cho kỳ thi hiệu quả
Không tăng cường giáo viên tiếng Anh như Quảng Trị, các trường có học sinh dân tộc thiểu số theo học ở Đà Nẵng và Quảng Nam đã lên kế hoạch chi tiết, tăng cường ôn tập nhằm chuẩn bị kiến thức, tâm lý tốt nhất cho các em trước kỳ thi quan trọng. Thầy Nguyễn Bá Hảo (Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ, Đà Nẵng) cho biết: “Trường có 19 học sinh dân tộc thiểu số theo học. Xuất phát điểm năng lực tiếng Anh của các em còn yếu nên những ngày này, giáo viên tiếng Anh ngoài các tiết dạy ôn tập chung trên trường, buổi tối còn đến ký túc xá để bồi dưỡng thêm cho các em. Đồng thời các thầy cô còn làm công tác tư tưởng để các em có được tâm thế tốt nhất khi bước vào kỳ thi, nhất là với môn tiếng Anh năm đầu tiên bắt buộc thi”.
Cùng hướng đến kỳ thi THPT quốc gia tốt nhất, ông Hà Thanh Quốc (Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam) cho biết đã tổ chức 3 đoàn công tác do các thành viên trong Ban Giám đốc sở làm trưởng đoàn kiểm tra công tác giảng dạy và chất lượng học tập của học sinh trên toàn tỉnh, đặc biệt là các địa bàn miền núi khó khăn. Dựa trên kết quả khảo sát, đoàn đưa ra những định hướng, giải pháp nhằm hỗ trợ các trường THPT ở miền núi về chuyên môn, giúp các trường ôn thi tốt. Theo đó, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường tổ chức tốt việc ôn tập, phụ đạo, bồi dưỡng cho học sinh; tổ chức thi thử để tạo điều kiện cho các em làm quen với cấu trúc đề thi, trên cơ sở đó phân loại học sinh để có kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng phù hợp.
Ông Quốc cho biết thêm, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định chi hơn 1,3 tỉ đồng để hỗ trợ ôn tập cho học sinh khối 12 ở các huyện miền núi dự thi THPT quốc gia. Theo đó, 100% học sinh ở 6 huyện miền núi được ôn thi miễn phí tại trường, riêng học sinh dân tộc thiểu số được hỗ trợ tiền ăn ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày thi THPT quốc gia…
Vĩnh Yên
Bình luận (0)