Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tăng cường ổn định tỉ giá

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ngày 1-7, bảy tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước, doanh nghiệp 50% vốn do Nhà nước nắm giữ đồng loạt bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Chỉ trong một tháng, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã 2 lần tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với các NH thương mại từ 4% lên 6% (tháng 5-2011), rồi tăng lên 7% từ tháng 6-2011. Đồng thời, NH Nhà nước cũng ban hành quy định hướng dẫn việc mua bán ngoại tệ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước. Đây được xem là động thái gia tăng biệp pháp ổn định tỉ giá.
Đối phó tín dụng ngoại tệ
Tuy tỉ lệ dự trữ ngoại tệ của các NH tăng thêm nhưng tỉ giá hối đoái ngày 2-6 gần như không có phản ứng. Các NH thương mại mua vào 20.530 đồng/USD, bán ra 20.610 đồng/USD, giảm 10 đồng/USD. Còn tỉ giá liên NH giậm chân tại chỗ 20.638 đồng/USD, cao hơn giá bán của NH thương mại 28 đồng/USD. Trong khi đó, NH Nhà nước thu mua với giá 20.600 đồng/USD, cao hơn giá mua vào của các NH thương mại 70 đồng/USD. Điều này chứng tỏ NH Nhà nước đang mạnh tay “thu gom” USD từ các NH thương mại. Thị trường ngoại hối ngoài NH rơi vào tình trạng ế ẩm. Người dân chuyển sang bán USD cho NH bởi giá thu mua của NH ngang bằng hoặc cao hơn giá mua của các tiệm vàng. Còn người có nhu cầu USD để đi nước ngoài vẫn mua được ngoại tệ từ NH theo quy định…
Thế nhưng, số liệu thống kê cho thấy nhập siêu 5 tháng đầu năm 2011 là 6,5 tỉ USD (chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu), đang ở mức báo động, bởi hạn mức nhập siêu của năm 2011 chỉ chiếm 16% so với kim ngạch xuất khẩu. Mặt khác, tính đến cuối tháng 5-2011, dư nợ cho vay ngoại tệ đã tăng gần 19%, còn tín dụng VNĐ chỉ tăng 6,2%. Qua đó có thể thấy các thành phần kinh tế tập trung vay USD vì lãi suất chỉ khoảng 6%-8,5%/năm, trong khi lãi suất vay vốn VNĐ lại quá cao, phổ biến từ 18%-21%/năm. Từ đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ tăng khá nhanh, kéo nhập siêu tăng theo.
Theo các NH, thông thường những tháng cuối năm, cầu ngoại tệ thường tăng mạnh sẽ làm cho tỉ giá biến động. Tuy nhiên, khi tỉ lệ dự trữ ngoại tệ tăng lên sẽ làm tăng chi phí kinh doanh, buộc lãi suất cho vay bằng ngoại tệ phải đi lên. Lúc đó, các doanh nghiệp sẽ thận trọng hơn khi vay vốn, góp phần làm tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ chững lại. Đầu ra của NH sẽ gặp khó khăn khiến NH không mặn mà huy động vốn bằng ngoại tệ, buộc lãi suất tiết kiệm USD giảm dần.
Mạnh tay thu mua ngoại tệ
Mặt khác, tình trạng doanh nghiệp găm giữ USD cũng sẽ bị triệt tiêu. Bởi từ ngày 1-7, bảy tập đoàn kinh tế, các tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp có 50% vốn do Nhà nước nắm giữ phải đồng loạt bán ngoại tệ, cung cấp cho NH hàng tỉ USD/năm. Trong khi đó, các bộ, ngành, tỉnh, TP, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước cũng sẽ cắt giảm đầu tư công 97.000 tỉ đồng, từ đó giảm nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị…, làm hạ nhiệt cầu USD.  
Từ đầu năm 2011 đến nay, NH Nhà nước đã mua 1 tỉ USD (tương đương 20.000 tỉ đồng). Theo các chuyên gia, số tiền mà NH Nhà nước bơm ra thị trường thông qua việc thu mua ngoại tệ tác động không nhiều đến lạm phát bởi tính đến tháng 5-2011, cung tiền chỉ mới tăng dưới 2%, trong khi kế hoạch của cả năm là 16%.
Để ổn định tỉ giá hối đoái, nhiều chuyên gia kinh tế kiến nghị NH Nhà nước cần mạnh tay thu mua ngoại tệ hơn nữa để tăng nhanh dự trữ ngoại tệ, kịp thời can thiệp thị trường khi tỉ giá biến động. 
Hạ trần lãi suất huy động USD thêm 1%/năm
Ngày 1-6, NH Nhà nước đã ban hành Thông tư 14/2011/TT-NHNN quy định trần lãi suất vốn huy động bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (áp dụng từ ngày 2-6). Theo đó, lãi suất huy động vốn USD tối đa của các tổ chức (trừ tổ chức tín dụng) là 0,5%/năm (trước đó là 1%/năm), giảm 0,5%/năm. Lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của cá nhân là 2%/năm (trước đó là 3%/năm), giảm 1%/năm.
Mức trần lãi suất này bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức và áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ; đối với các phương thức trả lãi khác, phải được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ tương ứng với mức lãi suất vốn huy động tối đa.
T.Phương
Thy Thơ / NLĐ

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)