Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tăng cường phạt nguội để chấn chỉnh vi phạm giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Trong những tháng cuối năm năm nay, TP.HCM bắt đầu tăng cường phạt nguội góp phần chấn chỉnh vi phạm giao thông và qua đó xây dựng ý thức tham gia giao thông cho người dân một cách tích cực hơn.

Việc tăng cường phạt nguội sẽ góp phần chấn chỉnh vi phạm giao thông trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Bắt đầu phạt nguội trên cao tốc TP.HCM – Trung Lương

Công tác này đã bắt đầu được thực hiện từ ngày 19-12 vừa qua. Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã tổ chức buổi lễ khánh thành hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự ATGT trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Hệ thống này do Công ty cổ phần Tiên Phong công nghệ CFTD triển khai từ tháng 4-2016 và đến nay đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Hệ thống bao gồm các thiết bị nhận dạng biển số, đo tốc độ, 15 camera giám sát được lắp đặt trên toàn tuyến đường dài 61,9km. Hệ thống này có thể nhận diện rõ biển số xe vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Theo đó, có thể xác định và phát hiện các lỗi vi phạm như: dừng đỗ sai quy định, chạy quá tốc độ, lưu thông sai làn đường, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chuyển làn đường sai quy định…

Với thiết kế mở, hệ thống này có thể chạy trên tất cả các thiết bị di động sử dụng phần mềm iOS, Android, Windows, MacOs. Hình ảnh thu được sẽ truyền trực tiếp về các thiết bị di động của các tổ làm nhiệm vụ dọc tuyến, để tiến hành lập biên bản phạt trực tiếp hoặc phạt nguội. Được biết, hệ thống giám sát này có thể xác định các lỗi vi phạm đạt tỷ lệ rất cao. Khả năng nhận dạng tự động biển số ban ngày là 98%, ban đêm khoảng 92%, nhận diện các lỗi vi phạm dừng đỗ trái phép, đi sai làn đường đạt 96%.

Khẳng định tầm quan trọng của hệ thống giám sát hiện đại, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, (Cục trưởng Cục CSGT) đánh giá, đây sẽ là thiết bị hỗ trợ tích cực cho lực lượng CSGT trong việc xử lý kịp thời, chính xác các lỗi vi phạm thường xảy ra trên tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương. Qua đó góp phần nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện, kéo giảm TNGT trong thời gian sắp tới.

Trong trường hợp việc thực hiện giám sát đem lại kết quả khả quan, cơ quan chức năng sẽ kiến nghị tiếp tục lắp đặt hệ thống này trên nhiều tuyến đường cao tốc, quốc lộ khác nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm soát trật tự ATGT trên địa bàn thành phố

Theo cảm nhận của tài xế Nguyễn Trung Kiên, chạy xe khách tuyến TP.HCM – Rạch Giá (Kiên Giang), từ ngày tăng cường hệ thống giám sát qua camera trên đường cao tốc, hầu như cánh tài xế đã “chạy xe tử tế hơn, ít thấy tình trạng giành đường, vượt ẩu, chạy quá tốc độ như trước”. Tự nhận thấy bản thân mình cũng có sự đổi khác qua sự giám sát của những con “mắt thần”, tài xế Trần Thanh Hoàng (chạy tuyến TP.HCM – Bạc Liêu) thừa nhận “thật sự tôi không còn tâm lý đối phó, mà đang tự sửa đổi, chấn chỉnh tâm tính và tay nghề của mình. Trước đây, thấy tài xế nào chạy xe cà chớn là tôi phải vượt mặt cho bõ ghét, hoặc khi thấy có cảnh sát giao thông thì mới chạy xe đàng hoàng”.

Chủ xe hay tài xế bị xử phạt?

Lấn cấn này đã từng xảy ra vào đợt cao điểm trung tuần tháng 11, khi tổ công tác Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM phối hợp với CSGT trên địa bàn thành phố tăng cường phạt “nguội” phương tiện tham gia giao thông bị camera ghi hình vi phạm trước đó.

Theo PC67, trong đợt cao điểm từ ngày 28-4 đến 28-10-2016, lực lượng chức năng đã ghi hình phạt “nguội” 8.552 trường hợp vi phạm. Trong đó, 779 trường hợp thực hiện quyết định xử phạt, nộp kho bạc trên 476 triệu đồng.

Vào ngày 16-11, ông Phạm Ngọc Hoanh (ngụ Q.2) khi đang đi từ thiện thì bị lực lượng chức năng yêu cầu dừng xe. Đang khi ông rất thắc mắc vì không phạm lỗi gì, tổ công tác liền trích xuất nội dung dữ liệu cho thấy vào lúc 16 giờ 17 ngày 30-3, xe ông Hoanh đã chạy vi phạm lỗi tốc độ 71km/g khi lưu thông qua đường hầm Thủ Thiêm. Xác định lại ngày hôm đó ông Hoanh không vi phạm, nhưng theo quy định, lực lượng chức năng đã lập biên bản và yêu cầu ông rà soát lại tài xế nào đã vi phạm, vì người vi phạm mới có trách nhiệm phải đóng phạt.

Theo thông tin từ Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (PC67), cái khó của việc xử phạt nguội là người đang điều khiển xe hoặc chủ xe cho rằng tài xế khác đã vi phạm chứ không phải họ. Chưa kể, thực tế cũng có trường hợp bịa chuyện để trốn tránh trách nhiệm. Để khắc phục tình trạng này, Trung tá Phạm Công Danh (Đội trưởng Đội chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông (PC67) lưu ý, Luật Dân sự hiện hành quy định rõ trách nhiệm của chủ xe trong việc giao xe cho người khác điều khiển vi phạm. Theo đó, nếu xác định đúng tài xế vi phạm nhưng người đó không đi đóng phạt, chủ xe có thể đi đóng phạt thay, rồi sau đó kiện tài xế để đòi lại công bằng.

Bài, ảnh: Đinh Vũ

Bình luận (0)