Để bù đắp những kỹ năng thiếu hụt trong thời gian dài dịch bệnh, các cơ sở giáo dục mầm mon tại TP.HCM đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động giáo dục nhằm tăng cường phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ, giúp trẻ tự tin, chủ động hơn.
Giáo viên phải chú trọng tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ mầm non
Dịch bệnh ảnh hưởng đến tâm lý, thể chất và tương tác của trẻ
Nhiều nhà quản lý giáo dục tại TP.HCM nhìn nhận, trong thời gian dịch bệnh kéo dài, trẻ không thể đến trường, giáo viên không thể tổ chức các hoạt động giúp trẻ phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội. Trong khi đó, việc trẻ hạn chế tiếp xúc dẫn đến bị ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý, thể chất và sự tương tác về mặt xã hội. “Sau khi trở lại trường học, nhiều trẻ, đặc biệt là trẻ 5-6 tuổi đang chuẩn bị hành trang vào lớp 1 rất lúng túng khi một mình giải quyết những vấn đề trong cuộc sống hàng ngày. Điều này khiến không ít phụ huynh lo lắng và có những can thiệp không phù hợp, mang lại những hậu quả không tốt cho trẻ”, ông Khưu Mạnh Hùng (Trưởng phòng GD-ĐT Q.12) chia sẻ.
Từ thực tế đó, Q.12 đã áp dụng nhiều giải pháp để hình thành và phát triển năng lực cá nhân, trang bị kỹ năng sống nhằm giúp trẻ hòa nhập dễ dàng. Trong đó, ngành giáo dục quận tổ chức nâng cao năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; đẩy mạnh vận dụng các phương pháp tiên tiến vào chương trình giáo dục mầm non; tạo môi trường giáo dục phát triển tình cảm và kỹ năng xã hội cho trẻ; quản lý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục mầm non. “Môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học đã được các cơ sở giáo dục mầm non quan tâm, trang bị đầy đủ đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị đa dạng, an toàn. Giáo viên có sự quan tâm, cởi mở, thân thiện, tạo mối quan hệ gần gũi giúp trẻ mạnh dạn, cởi mở trong giao tiếp với giáo viên, với bạn bè. Đặc biệt, qua các giải pháp trên đã tạo được sự đồng thuận, phối hợp của cha mẹ học sinh, giúp giáo viên tổ chức tốt các hoạt động phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội; cùng giáo viên nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ, chuẩn bị tâm thế thật tốt cho trẻ vào lớp 1”, ông Khưu Mạnh Hùng đánh giá.
Trong mọi hoạt động, trẻ cần được tự làm, tự tương tác để hình thành kỹ năng xã hội
Để bù đắp và phát triển những kỹ năng còn thiếu cho trẻ sau thời gian dài dịch bệnh, Trường Mầm non Tân Tạo (Q.Bình Tân) chú trọng bồi dưỡng năng lực đội ngũ giáo viên, nâng cao nhận thức của giáo viên về sự cần thiết và vai trò của việc giáo dục tình cảm, kỹ năng xã hội đối với sự phát triển của trẻ mầm non. Giáo viên được trang bị các kỹ năng xây dựng kế hoạch, lựa chọn mục tiêu, nội dung, phương pháp sao cho có thể lồng ghép nội dung giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ vào chế độ sinh hoạt hàng ngày của trẻ một cách nhẹ nhàng, linh hoạt, hiệu quả. “Tất cả trẻ đều được hỗ trợ, giao nhiệm vụ, khuyến khích tham gia các hoạt động như tự chọn đồ chơi, góc chơi, nhóm chơi, nội dung chơi, khuyến khích giải quyết vấn đề, làm việc cùng nhau. Trẻ tự tin thể hiện bản thân, tự tin trong các mối quan hệ với mọi người xung quanh, tích cực tham gia các hoạt động. Điều đặc biệt là phụ huynh có sự phối hợp chặt chẽ, cùng với giáo viên giáo dục phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ tại gia đình”, đại diện Trường Mầm non Tân Tạo chia sẻ.
Giáo viên phải cởi mở, trẻ mới dám gần
Bà Lương Thị Hồng Điệp (Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT TP.HCM) nhìn nhận, trong tình hình dịch bệnh, trẻ không được đến trường trong một thời gian dài nên hạn chế sự tương tác của trẻ và các kỹ năng xã hội. Sau dịch, khi trẻ trở lại trường, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố tăng cường các hoạt động để phát triển tình cảm, kỹ năng xã hội cho trẻ. Vận dụng từ những điều có sẵn trong trường và mở rộng thêm ra môi trường bên ngoài, giúp trẻ được tương tác, tiếp xúc nhiều hơn. Để đạt được điều đó, theo bà Điệp, đòi hỏi giáo viên phải có sự chọn lọc nội dung, chương trình sao cho phù hợp. Trong đó, ở mọi hoạt động giáo viên không được làm thay trẻ. Cách thức tổ chức như thế nào, nội dung ra sao phải từ bàn tay của trẻ – trẻ được làm, được vận dụng, tìm hiểu trao đổi để thể hiện tình cảm của mình với giáo viên, với bạn bè.
Bà Điệp lưu ý, hình thành kỹ năng xã hội thì phải làm thường xuyên và liên tục, từng giai đoạn phải có lộ trình nội dung khó, dễ, phân loại để trẻ được thực hành các nội dung khác nhau. Mỗi trẻ có những hiểu biết khác nhau nên việc tổ chức cũng phải khác nhau, chấp nhận những điều khác biệt của trẻ. Giáo viên phải có sự chờ đợi chứ không phải bắt tất cả trẻ đều giống nhau. Khi thiết kế, giáo viên vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế tại đơn vị, vận dụng từ những thứ bên ngoài, ngoài việc ở trong lớp, trong sân trường, làm sao cho trẻ được trải nghiệm nhiều hoạt động khác nhau hàng ngày. “Để giúp trẻ phát triển tình cảm và các kỹ năng xã hội thì trước tiên, giáo viên phải hiểu về tình cảm, kỹ năng xã hội, phải có tình cảm và có kỹ năng xã hội, từ đó mới có thể truyền tải đến trẻ. Trên hết, giáo viên phải cởi mở, vì chỉ khi giáo viên cởi mở thì trẻ mới dám gần gũi, dám hỏi và trao đổi với cô giáo những gì mình cần. Đặc biệt, giáo viên phải hết sức cẩn trọng lời ăn tiếng nói, hình ảnh với trẻ, đừng nghĩ rằng mình nói như thế, mình làm như thế trẻ sẽ không biết đâu. Ngoài ra, việc trao đổi với phụ huynh cũng phải gần gũi, nhẹ nhàng”, bà Lương Thị Hồng Điệp nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)