Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Tăng cường phòng chống bệnh cúm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong tình hình dịch cúm đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Triều Tiên, gây tử vong cho nhiều trường hợp ở Hoa Kỳ, Bộ Y tế đã phát đi Công điện khẩn 774/BYT-DP ngày 2-2-2018 đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm tại các địa phương.

Dạy trẻ rửa tay đúng cách là một trong những cách phòng bệnh cúm mùa trong trường họcẢnh: B.V

Cúm mùa có thể gây tử vong

Theo đó, nội dung công điện khẩn do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký khuyến cáo, trong những tháng cuối năm 2017 và đầu năm 2018, tình hình dịch cúm trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó, đã xuất hiện nhiều ca mắc cúm A(H7N9) tại Trung Quốc, bùng phát dịch cúm mùa tại Mỹ và cúm A(H1N1) tại Triều Tiên. Theo thông tin của Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh hắt hơi, ho khạc. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục khoảng từ 2-7 ngày. Riêng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim, phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch thì bệnh cúm có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Bộ Y tế cho biết, bệnh cúm hiện đang lưu hành tại nhiều nước trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh. Trong đó có 3 triệu đến 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng và khoảng 250 đến 500 nghìn người tử vong. Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây ghi nhận có khoảng từ 1 triệu đến 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm mỗi năm. Điều đáng lưu ý là bệnh cúm thường có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân, nên trong thời tiết như hiện nay, bệnh cúm đang có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương, khiến số ca nhập viện gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối.

Biện pháp phòng ngừa

Để chủ động phòng chống bệnh cúm, hạn chế tình trạng lây lan dẫn đến quá tải bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương đẩy mạnh công tác tuyên truyền (trên các phương tiện truyền thông đại chúng và hệ thống truyền thông cơ sở) về các biện pháp phòng bệnh cúm, cách phát hiện sớm, cách ly và điều trị tại nhà hoặc khuyến cáo bệnh nhân đến cơ sở y tế khi bệnh có diễn tiến nặng. Trong trường hợp cần tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh thì nên đeo khẩu trang. Để phòng bệnh cho mình và cho người khác, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để đề phòng lây lan, tăng cường chất dinh dưỡng và vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi, luôn giữ ấm cơ thể. Đặc biệt cần chủ động tiêm phòng bệnh cúm (mỗi năm 1 lần) đối với các chủng cúm đã có vaccine.

Để chủ động giám sát sự lưu hành và biến đổi của các chủng vi rút cúm ở nước ta, Bộ Y tế đã triển khai hệ thống giám sát cúm trọng điểm quốc gia từ năm 2006 và đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm chẩn đoán tác nhân gây bệnh cúm tại Trung tâm cúm quốc gia tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, đến nay các đơn vị này đều có khả năng xét nghiệm các chủng vi rút cúm một cách chính xác nhất.

Đối với những cơ sở điều trị tại các tỉnh thành, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt công tác phân luồng khám bệnh, cách ly, cấp cứu; thiết lập khu vực riêng để điều trị bệnh nhân cúm; hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng lây chéo và nhiễm khuẩn bệnh viện; phát hiện sớm và điều trị tích cực đối với những trường hợp diễn biến nặng; chú trọng khâu xét nghiệm nhằm phát hiện kịp thời các tác nhân cúm độc lực cao; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chỉ định dùng thuốc kháng vi rút, tránh tình trạng khan hiếm ảo cũng như tình trạng kháng với bệnh nhân. Đồng thời, các địa phương cần phối hợp với cơ quan thú y trong việc xử lý triệt để khi phát hiện ổ dịch, không để lây lan sang người. Ngoài ra cần tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Nhằm góp phần phòng tránh bệnh cúm cho HS-SV và công nhân trong môi trường học tập và làm việc đông người, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Sở GD-ĐT và Ban Quản lý các khu công nghiệp trong việc hỗ trợ chẩn đoán phát hiện sớm người mắc bệnh cúm, nhằm có phương hướng điều trị một cách kịp thời. Trong trường hợp mắc bệnh, HS-SV và người lao động cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm để cách ly trong thời gian điều trị, nhằm tránh lây lan cho những người xung quanh.

Bích Vân

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)