Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, thực tế hiện nay một số trường ngoài công lập chưa tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học như thực hiện các hợp đồng góp vốn đầu tư; hoạt động công đoàn cơ sở, chưa thực hiện hồ sơ công nhận hội đồng trường theo quy định. Vì vậy, đề nghị các phòng ban của sở tăng cường phối hợp để cùng thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập một cách kịp thời, hỗ trợ những cơ sở còn khó khăn…
Hệ thống giáo dục ngoài công lập nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, thành phố hiện có 2.136 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong đó, 94 trường tư thục có vốn đầu tư trong nước, 21 trường có vốn đầu tư nước ngoài, 17 trường mầm non vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, có 968 trung tâm ngoại ngữ tin học, 144 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài, 180 đơn vị tổ chức kỹ năng sống, 16 trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập, 674 trung tâm tư vấn du học và 22 văn phòng đại diện.
Thầy Tưởng Nguyên Sự – Hiệu trưởng Trường TH, THCS, THPT Ngô Thời Nhiệm cho biết, việc xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu, tầm nhìn, tâm huyết của tập thể đội ngũ, giáo viên nhà trường triển khai trong năm học. Việc xây dựng trường học hạnh phúc được trường gắn với xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường, gắn liền với từng môn học và các hoạt động giáo dục của trường, đã không chỉ mang đến những màu sắc mới cho bộ môn mà còn giúp học sinh hào hứng, thích thú hơn khi tiếp nhận kiến thức.
“Trường học hạnh phúc” đúng nghĩa chính là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố: chất lượng giáo dục; uy tín của một học hiệu; sự hài lòng của những người từng trải nghiệm và thụ hưởng những giá trị giáo dục đậm đà bản sắc và cả niềm trân quý, tự hào của mỗi thành viên nhà trường” – thầy Tưởng Nguyên Sự chia sẻ.
Trong khi đó, Trường THCS và THPT Đinh Thiện Lý lại định hướng nâng cao chất lượng giáo dục gắn liền với sự mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất. giáo viên đều có phòng giảng dạy riêng với đầy đủ trang thiết bị hiện đại để có thể phù hợp cho việc giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hệ thống bảng tương tác, bàn ghế linh động cho việc chia, ghép nhóm, hệ thống bảng, hệ tủ cùng nền tảng quản lý học tập LMS, hệ thống wifi. Việc trang bị phòng dạy học hiện đại cho mỗi giáo viên đã giúp thầy cô có không gian làm việc thuận lợi nhất ngay cả khi không có tiết dạy; đồng thời, mỗi phòng dạy học trở thành phòng bộ môn, thể hiện rõ được nét đặc sắc của bộ môn, góp phần tạo thêm hứng thú làm việc và sự gắn kết của giáo viên với bộ môn, và cũng tạo thêm động lực học tập cho các em khi bước vào phòng học có những nét đặc sắc riêng của bộ môn theo phong cách của từng thầy cô; không những thế, học sinh thêm cơ hội vận động mỗi ngày khi di chuyển từ phòng bộ môn này sang phòng học bộ môn khác.
Không chỉ đầu tư hiện đại cho các phòng học chuẩn, nhà trường còn được đầu tư hệ thống phòng chức năng, các không gian hoạt động hiện đại khác, giúp cho các hoạt động giáo dục theo định hướng phát triển toàn diện, cũng như tạo cơ hội cho giáo viên, nhân viên hội họp, tập huấn, trau dồi chuyên môn và cả nghỉ ngơi, thư giãn trong quá trình làm việc tại trường.
Không chỉ chú trọng đầu tư cơ sở vật chất bên trong nhà trường, nhà đầu tư còn rất chú trọng đến cảnh quan, mảng xanh trong khuôn viên trường. Vì vậy, mỗi cơ sở đều thể hiện được nét đặc sắc về kiến trúc và cảnh quan và quá trình này vẫn đang được tiếp tục để giúp học sinh tại mỗi cơ sở đều được thụ hưởng những điều kiện học tập tốt nhất, thầy cô giáo viên, nhân viên có được môi trường làm việc hiệu quả, thuận lợi nhất.
Tăng cường thanh tra, giám sát cơ sở ngoài công lập
Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, trên thực tế hoạt động, một số trường ngoài công lập chưa tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học như thực hiện các hợp đồng góp vốn đầu tư; hoạt động công đoàn cơ sở, chưa thực hiện hồ sơ công nhận hội đồng trường theo quy định. Nội dung này được cập nhật trong quy chế phối hợp sở ngành và UBND TP.Thủ Đức và quận, huyện.
Một số cơ sở giáo dục ngoài công lập sử dụng giáo viên nước ngoài chưa đúng quy định. Các cơ sở giáo dục công khai thông tin trên các trang mạng xã hội đôi lúc chưa chính xác so với quyết định cho phép hoạt động giáo dục của Sở GD-ĐT. Một số trường ngoài công lập còn gặp vướng pháp lý về đất đai, thẩm định hồ sơ thiết kế phòng cháy chữa cháy nên việc quản lý của phòng gặp khó khăn…
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết năm học 2023-2024, ngành giáo dục đào tạo đã chủ động tham mưu UBND TP.HCM ban hành Quyết định 945 về quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT và các sở, ngành, cơ quan chức năng thành phố và UBND các quận, huyện trong công tác quản lý Nhà nước đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Đây là một cơ sở pháp lý quan trọng, giúp các đơn vị nắm rõ và chủ động hơn trong việc thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình khi tổ chức hoạt động giáo dục trên địa bàn.
Trong năm học 2024-2025, bà Lê Thụy Mỵ Châu yêu cầu Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở GD-ĐT TP.HCM chủ động tham mưu cho lãnh đạo sở phối hợp với các sở ngành thành phố và đặc biệt ký kết quy chế phối hợp với các quận huyện trong quản lý khối ngoài công lập. Bên cạnh đó, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập rà soát và góp ý hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về giáo dục ngoài công lập, triển khai kịp thời các quy định đến các cơ sở giáo dục trên toàn địa bàn.
Đồng thời đề nghị các phòng ban của Sở GD-ĐT TP.HCM tăng cường phối hợp để cùng thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập một cách kịp thời, hỗ trợ những cơ sở còn khó khăn. Bên cạnh đó, cũng cần xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và có thông tin kịp thời từ các sở, ngành thành phố cũng như UBND quận, huyện, phòng GD-ĐT trong công tác quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập để đảm bảo tính khách quan, đồng bộ và hiệu quả.
Khương Yến
Bình luận (0)