Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng cường thông tin GDNN đến người học

Tạp Chí Giáo Dục

Phải có ít nhất 500 tin, bài viết và chương trình/năm để tôn vinh, biểu dương những điển hình, tấm gương của người dạy, người học và mô hình khởi nghiệp thành công từ giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Học sinh Trường TC nghề Kỹ thuật – Công nghệ Hùng Vương thực hành tại doanh nghiệp

Đó là một trong những nội dung của kế hoạch truyền thông GDNN giai đoạn 2018-2020 do Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 19-7-2018. Đối tượng tuyên truyền là học sinh, cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế có hợp tác GDNN với Việt Nam.

Khuyến khích doanh nghiệp tham gia GDNN

Công tác truyền thông GDNN giai đoạn 2018-2020 tập trung vào các nội dung sau: đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quảng bá hình ảnh GDNN, hỗ trợ công tác tuyển sinh và hướng nghiệp; tuyên truyền các kỳ thi tay nghề ASEAN, quốc tế, hội giảng GDNN… Truyền thông  GDNN qua nhiều kênh như cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử của Tổng cục GDNN, mạng xã hội facebook, kênh truyền hình trực tuyến Youtube, website của cơ sở GDNN… Theo đó, tất cả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về GDNN được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Mục tiêu của kế hoạch này là thu hút, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN, gắn kết doanh nghiệp trong đào tạo mới và đào tạo lại; tuyển dụng và sử dụng lao động GDNN nhằm duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế – xã hội trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; xác định rõ nhiệm vụ chính trị của GDNN trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đặc biệt là đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; nâng cao nhận thức của các đối tượng về chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về GDNN.

Các cơ sở GDNN phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức viết tin, bài, phóng sự về GDNN, đặc biệt là các bài viết và hình ảnh về quá trình đào tạo tại trường, gắn kết doanh nghiệp, kiểm định chất lượng… Đồng thời chú trọng tuyên truyền về gương điển hình, tiên tiến học nghề – lập nghiệp, những tấm gương đã tốt nghiệp GDNN, gương đoạt giải các kỳ thi tay nghề ASEAN, thế giới đang khẳng định mình, thành công trong cuộc sống.

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các địa phương cũng như cơ sở GDNN tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động truyền thông. Đổi mới hình thức, áp dụng mô hình truyền thông mới có hiệu quả. Hướng công tác truyền thông đến cơ sở GDNN, tập trung đến phụ huynh và học sinh THCS-THPT. Đảm bảo thông tin tuyên truyền được triển khai sâu rộng, toàn diện và tăng cường nguồn lực thực hiện truyền thông về GDNN. Các cơ sở GDNN chủ động tham gia các hoạt động tư vấn tuyển sinh do các cơ quan báo chí tổ chức. Đồng thời xây dựng các nội dung tuyên truyền về GDNN phù hợp với địa bàn tuyển sinh, đối tượng tuyển sinh. Các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN duy trì các hoạt động thường xuyên về tuyên truyền liên quan đến GDNN, trong đó tập trung vào lợi ích của học nghề, nhu cầu, yêu cầu, tiêu chí về lao động của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động qua đào tạo nghề.

Tăng cường thông tin về GDNN

Trước khi ban hành kế hoạch truyền thông GDNN giai đoạn 2018-2020, trước đó (ngày 19-12-2017), Bộ LĐ-TB&XH đã có Công văn số 5366/LĐTBXH-TCGDNN gửi UBND các tỉnh/thành đề nghị chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về GDNN. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, nhận thức của xã hội về dạy nghề, học nghề ở nhiều địa phương có sự chuyển biến tích cực, thu hút sự quan tâm của người dân, xã hội và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện ở một số địa phương chưa đồng đều, chưa có sự phối hợp tích cực, đồng bộ giữa các đơn vị liên quan. Việc chọn trường, chọn nghề, tư vấn nghề nghiệp còn gặp khó khăn do thông tin không đầy đủ. Nhiều mô hình đào tạo có hiệu quả, chất lượng cao, nhiều gương điển hình tiên tiến trong GDNN chưa được biết đến rộng rãi. Vì vậy, để làm tốt hơn nữa công tác GDNN, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ phân luồng học sinh sau THCS và THPT vào học các trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND các tỉnh/thành quan tâm hơn nữa công tác truyền thông GDNN tại địa phương. Theo đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương, cơ sở GDNN truyền tải đầy đủ, hiệu quả về vị trí, vai trò và chính sách của hệ thống GDNN đến với người dân, doanh nghiệp và các chủ thể có liên quan. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THPT trên địa bàn. Chỉ đạo cơ quan quản lý GDNN, cơ sở GDNN phối hợp với ngành GD-ĐT triển khai các hoạt động giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng theo Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh THPT giai đoạn 2018-2025.

Đặc biệt giới thiệu ứng dụng chọn nghề – chọn trường trên thiết bị di động do Tổng cục GDNN cung cấp đến các trường THCS-THPT để học sinh và phụ huynh có kênh thông tin đầy đủ hơn về GDNN. Các nội dung cần giới thiệu cụ thể như: Mô tả nghề, các nhiệm vụ chủ yếu của nghề, vị trí việc làm, các ngành nghề liên quan, các mô đun môn học chính, yêu cầu đối với người học, ai phù hợp với nghề, chi phí đào tạo, cơ hội việc làm, thu nhập…

T.Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)