Sáng 25-11, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH, Hội đồng Tiền lương quốc gia và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã khai mạc hội thảo chính sách tiền lương tại Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Hội thảo sẽ kéo dài 2 ngày để bàn về các chính sách tiền lương phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay, hướng tới nâng cao thu nhập cho người lao động và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân khẳng định, Việt Nam đã đạt được những thành tựu trong chính sách và mối quan hệ về tiền lương, trong đó đáng kể là việc tách bạch giữa tiền lương cho khu vực hành chính, sự nghiệp (phụ thuộc ngân sách) và tiền lương đối với khu vực sản xuất kinh doanh theo thỏa thuận.
Bên cạnh đó, chúng ta đang mở rộng quan hệ tiền lương khu vực hưởng lương từ ngân sách theo ba mức tối thiểu – trung bình và tối đa, tương ứng là 1 – 2,34 và 13, đồng thời tách tiền lương đối với khu vực hành chính và sự nghiệp để giao tự chủ về tài chính, giảm dần từ ngân sách, tạo nguồn tăng lương cho hành chính.
Đối với khu vực sản xuất kinh doanh, thành tựu đáng kể là đã luật hóa xác lập mức lương tối thiểu qua cơ chế 3 bên (Hội đồng Tiền lương quốc gia, doanh nghiệp và người lao động) phù hợp nguyên tắc thị trường, đảm bảo tôn trọng quyền của 2 bên (doanh nghiệp và lao động) trong việc xác định, thỏa thuận tiền lương. Trong đó doanh nghiệp và người lao động có thể áp dụng mức lương thông qua thỏa thuận, thương lượng nhưng phải đảm bảo và căn cứ theo mức lương tối thiểu do nhà nước quy định.
Bên lề hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay cơ chế tiền lương thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động vẫn còn bất cập, đang tồn tại tình trạng doanh nghiệp lách luật, chỉ trả lương cho lao động bằng hoặc trên mức tiền lương tối thiểu một chút, dẫn tới thu nhập cũng như đời sống của người lao động không cao.
Tuy nhiên Thứ trưởng Phạm Minh Huân khẳng định, chúng ta đã xác định nguyên tắc tôn trọng và tăng cường thỏa thuận, thương lượng về tiền lương giữa doanh nghiệp và lao động. Vì vậy, mục tiêu lâu dài là nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh nâng quy định mức lương tối thiểu nhưng phải theo lộ trình chứ không thể tạo cú sốc, nhằm đảm bảo quyền lợi hài hòa cho cả doanh nghiệp lẫn người lao động.
Đây cũng là hội thảo mà các chuyên gia quốc tế và Tổ chức ILO chia sẻ các giải pháp cũng như kinh nghiệm trong việc ban hành, áp dụng chính sách về tiền lương và mức sống tối thiểu tại các nước để làm căn cứ xem xét tại Việt Nam.
VĂN PHÚC
(SGGP)
Bình luận (0)