Nền giáo dục song ngữ có những ưu điểm nổi bật: khi đã biết đọc bằng thứ tiếng mẹ đẻ, các em có thể dễ dàng phát triển các kỹ năng đó sang ngôn ngữ mới – đó là khẳng định của UNESCO từ những năm 50 của thế kỷ trước. Nhưng cho đến nay, ở Việt Nam dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn vẫn chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu.
Thiếu trầm trọng giáo viên biết tiếng dân tộc
Một điều tra mới đây cho thấy, đối với trẻ từ 4 – 6 tuổi ở nội thành Hà Nội thì vốn từ tiếng Việt của trẻ đạt từ 1.900 từ đến 4.000 từ, trong khi đó, trẻ vùng dân tộc thiểu số chỉ đạt 100 từ. Điều này cho thấy, tầm quan trọng của việc nâng cao vốn từ cho trẻ ở vùng khó khăn trước khi vào lớp 1. Tuy nhiên, theo báo cáo của Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT thì hiện nay, trong tổng số giáo viên mầm non của Việt Nam, chỉ có 5% là giáo viên người dân tộc thiểu số. Số còn lại, là người Kinh và trong số này, rất ít người tinh thông tiếng dân tộc. Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng tiểu học, Sở GD-ĐT Gia Lai đưa ý kiến: “Hiện nay, dạy tiếng Việt cho trẻ vùng khó khăn, dân tộc có hai khó khăn cơ bản. Thứ nhất là cơ sở vật chất. Yếu tố này có thể giải quyết được trong thời gian ngắn. Thứ hai là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ giáo viên thiếu không thể bổ sung trong một sớm một chiều. Ông Đông đề nghị Bộ GD-ĐT phải tính đến phương án dạy tiếng dân tộc tại các trường CĐ sư phạm địa phương như thế nào. Và phải có tiêu chí bắt buộc giáo viên địa phương buộc phải biết hai ngôn ngữ”. Từ thực tế ở Gia Lai, ông Đông cho biết, có nhiều giáo viên địa phương có thể giao tiếp bằng tiếng dân tộc nhưng lại không thể viết được. Điều này cũng gây khó khăn trong việc dạy trẻ là người dân tộc. Lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, Cao Bằng và Đắk Lắk cũng đều cho rằng, khó khăn của các trường mầm non và tiểu học trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ là đội ngũ giáo viên không đáp ứng yêu cầu. Ông Mông Ký Slay, Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GD-ĐT đưa ra một số những khó khăn trong việc dạy tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong chương trình song ngữ Jrai Việt đó là đội ngũ giáo viên giỏi tiếng Việt và tinh thông tiếng dân tộc hiện nay là rất ít. Chính vì nhiều khó khăn nên chương trình này đã hoàn thành từ năm 2005 nhưng cho đến nay vẫn chưa được triển khai rộng rãi. Bà Nguyễn Ái Hồng Vân, Phó giám đốc Sở Đắk Lắk lại đưa ra một khó khăn của tỉnh mình hiện nay trong dạy tiếng Việt cho học sinh trước khi bước vào lớp 1. Đó là việc điều động học sinh dân tộc đến lớp mầm non là rất khó. Tỉnh chỉ có thể vận động các cháu học chương trình 36 buổi trước khi vào lớp 1. Nguyên nhân do cơ sở vật chất không có, số lượng giáo viên là người dân tộc rất hiếm hoi.
Đứng trước vấn đề thiếu trầm trọng giáo viên biết tiếng dân tộc như hiện nay, bà Trần Thị Thắm, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Lào Cai cho rằng, giáo viên cần phải tự học, điều này hoàn toàn khả thi. Ngoài ra, Sở Lào Cai cũng đã gửi các giáo viên sang ĐH Tây Bắc để học tiếng H’mông. Hiện nay, cả nước có 4 trường ĐH đào tạo tiếng dân tộc cho các vùng là ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên, ĐH Quy Nhơn và ĐH Cần Thơ.
Giải pháp nào phù hợp?
Trong bản báo cáo tăng cường tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi được Bộ GD-ĐT triển khai vừa qua, bà Hoàng Thu Hương, Vụ Giáo dục mầm non đưa ra 3 giải pháp. Thứ nhất là vận động trẻ đến trường mẫu giáo từ 3 tuổi; thứ hai là lớp mẫu giáo 5 tuổi có người trợ giảng; thứ ba là chương trình mẫu giáo thích hợp cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi dựa trên tiếng mẹ đẻ. Cả ba giải pháp này đều có tính ưu việt riêng nhưng đều có chung một số khó khăn như thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Một khó khăn nữa trong việc thực hiện các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng khó khăn đó chính là tại các tỉnh đều có rất nhiều dân tộc sinh sống xen kẽ. Chỉ một số ít vùng, có một số dân tộc nào đó nổi trội như người Jrai tại Gia Lai, người H’mông tại một số tỉnh miền núi phía Bắc. Chính hoàn cảnh tự nhiên các dân tộc sống xen kẽ đã cản trở rất lớn đến chương trình nâng cao tiếng Việt cho trẻ vùng khó khăn. Bà Hoàng Thị Sinh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Cao Bằng cho biết, tỉnh Cao Bằng có 23 dân tộc anh em, sống xen kẽ và 95% dân số của tỉnh là người dân tộc. Tiếng thông dụng nhất ở đây là Tày, Nùng. Đối với những học sinh nói tiếng này, các em đều rất dễ tiếp cận tiếng Việt. Nhưng đối với nhiều dân tộc thiểu số khác, ít người như LôLô, Sán Chỉ thì rất khó khăn. Từ thực tế đó, bài toán đặt ra hiện nay là chọn giải pháp nào phù hợp. Giáo viên không thể biết hết được tất cả các thứ tiếng của học sinh trong lớp của mình. Có nhiều nơi, có trẻ đến từ 3 – 4 hoặc nhiều hơn nữa dân tộc thiểu số trong một lớp mẫu giáo.
Trước thực tế này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, trong năm học tới, các địa phương có thể tự chọn cho mình một giải pháp thích hợp để ứng dụng. Từ những thực tế cụ thể đó, Bộ sẽ rút kinh nghiệm và đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất. Thứ trưởng Hiển cũng cho biết thêm, đến giờ, Bộ GD-ĐT cũng chưa quyết định sẽ chọn giải pháp nào để áp dụng cho cho các vùng. Còn rất nhiều chuyên gia cho rằng, chủ trương dạy tiếng Việt cho trẻ vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số của Bộ vẫn đang giậm chân tại chỗ.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)