Một tiết học tiếng Anh tăng cường tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4, TP.HCM)
|
Học sinh (HS) đông, cơ sở vật chất thiếu, tuyển giáo viên (GV) khó… khiến việc thực hiện dạy học các chương trình tiếng Anh trong trường tiểu học gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên các trường đang nỗ lực nhằm đáp ứng mục tiêu mà Sở GD-ĐT TP.HCM đã đề ra.
Theo kế hoạch của Sở GD-ĐT, năm học 2012-2013, 100% trường tiểu học sẽ thực hiện giảng dạy 1 trong 3 chương trình tiếng Anh: Tự chọn, tăng cường và Đề án 2020 của Bộ GD-ĐT. Đến năm học 2015-2016, 100% trường có lớp 1 dạy tiếng Anh đề án và không còn chương trình tiếng Anh tự chọn. Tuy nhiên, theo báo cáo sơ kết học kỳ I năm học 2014-2015 của Phòng Giáo dục tiểu học, tính đến tháng 6-2014, số trường dạy ngoại ngữ mới đạt 84,9%, số HS được học ngoại ngữ trong nhà trường đạt 75,7%. Trong tổng số 498 trường thì 219 trường có dạy tiếng Anh tăng cường, 44 trường dạy tiếng Anh đề án và còn đến 454 trường dạy chương trình tự chọn.
Tiến tới xóa lớp tiếng Anh tự chọn
Lãnh đạo một trường tiểu học tại quận 4 chia sẻ rằng rất khó có thể xóa chương trình tiếng Anh tự chọn trong thời điểm hiện nay vì phòng ốc không đủ, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. “Nhiều trường vẫn còn lớp 1 buổi, chỉ đáp ứng dạy tiếng Anh tự chọn là 2 tiết/tuần, bởi chương trình tiếng Anh đề án là phải dạy 4 tiết/tuần, chỉ thực hiện được ở lớp 2 buổi. Trường chúng tôi có 25 lớp nhưng chỉ có 22 phòng, điều này khiến chúng tôi không thể tổ chức hết lớp 2 buổi/ngày. Vì thế hiện tại chúng tôi chỉ thực hiện được 6 lớp tiếng Anh đề án, 10 lớp tiếng Anh tăng cường, còn lại là tiếng Anh tự chọn”, vị này cho biết.
Huyện Bình Chánh là địa phương có 100% trường đang thực hiện 1 trong 3 chương trình tiếng Anh là tự chọn, tăng cường và đề án. Cụ thể, trong số 27 trường thì 9 trường có lớp tiếng Anh tăng cường, 14 trường có lớp tiếng Anh đề án và 27 trường có lớp tiếng Anh tự chọn. Huyện này dự kiến phấn đấu trong năm học tới đạt 80% trường tham gia thực hiện chương trình tiếng Anh đề án và xóa dần chương trình tiếng Anh tự chọn từ lớp 1. Ngoài ra, trường nào có điều kiện thì sẽ xóa trắng chương trình tiếng Anh tự chọn.
Cô Võ Thị Kim Hà, chuyên viên tiếng Anh Phòng GD-ĐT huyện Bình Chánh, cho biết: “Các trường ở phía Bắc của huyện có sĩ số HS đông, phòng ốc chưa đáp ứng buộc chúng tôi vẫn phải tổ chức nhiều lớp học 1 buổi/ngày. Nếu muốn mở rộng lớp tiếng Anh đề án thì chúng tôi phải tăng số buổi học vào thứ bảy hàng tuần. Không riêng gì Bình Chánh, đây cũng là khó khăn chung của nhiều quận/huyện khác nhưng phải hết sức nỗ lực để thực hiện tốt kế hoạch”.
Tập trung tuyển GV
Hiện nay, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất thì đội ngũ GV không đáp ứng đủ về trình độ, số lượng cũng đang được các trường và Sở GD-ĐT quan tâm.
|
Hiện nay, ngoài khó khăn về cơ sở vật chất thì đội ngũ GV không đáp ứng đủ về trình độ, số lượng cũng đang được các trường và Sở GD-ĐT quan tâm.
Cô Kim Hà cho biết: Hiện tại đội ngũ GV của huyện Bình Chánh đã đủ, tuy nhiên để thực hiện chương trình tiếng Anh đề án đòi hỏi phải cần thêm GV. Năm tới chúng tôi dự kiến cần khoảng 30 GV, Phòng GD-ĐT đang kiến nghị Sở GD-ĐT hỗ trợ.
Cô Võ Ngọc Thu, Trưởng phòng GD-ĐT Q.5, cho rằng nếu Sở GD-ĐT triển khai mở rộng chương trình tiếng Anh đề án thì quận thực hiện ngay. Tuy nhiên, trước tình trạng lực lượng GV thiếu, không đủ đáp ứng cho giảng dạy chương trình, đặc biệt sau khi kế hoạch tuyển, đưa GV người Philippines về địa phương đã tạm ngưng sẽ càng gây khó khăn hơn trong việc thực hiện các chương trình tiếng Anh. Hiện nay Phòng GD-ĐT cùng các trường hết sức nỗ lực thực hiện.
Theo thống kê từ Phòng Giáo dục tiểu học, tổng số GV dạy tiếng Anh trên địa bàn thành phố hiện nay là 1.717 người, tăng 198 người so với học kỳ I năm học 2013-2014, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu các trường. Ngoài những nguyên nhân trên, việc tuyển dụng còn gặp khó khăn do thiếu chỉ tiêu biên chế, chế độ tiền lương…
Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I khối tiểu học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết các phòng GD-ĐT quận/huyện nên có lộ trình giảm chương trình tiếng Anh tự chọn, linh động vận dụng các cơ chế bồi dưỡng GV tiếng Anh để giữ chân cũng như thu hút nhân tài. Bên cạnh đó cần làm tốt công tác tư tưởng để tránh có sự so sánh cơ chế bồi dưỡng giữa các GV. Lãnh đạo Sở GD-ĐT sẽ có cuộc làm việc với Phòng Tổ chức Cán bộ về vấn đề tuyển dụng GV tiếng Anh nhằm đảm bảo nguồn cung cấp GV cho các trường.
Bài, ảnh: Nguyễn Trinh
Theo dõi tiến độ, đảm bảo kế hoạch đề ra
Tại Hội nghị sơ kết học kỳ I, ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, lo ngại tiến độ thực hiện dạy học các chương trình hiện nay sẽ không kịp với mục tiêu đề ra: Đến năm học sau, 100% HS lớp 1 được học tiếng Anh theo đề án. Theo ông Vinh, việc thực hiện chương trình tiếng Anh đề án chưa được các quận/huyện quan tâm, theo dõi tiến độ nên tỉ lệ thực hiện chưa cao như dự kiến. Chưa kể, một số trường vẫn còn hiện tượng bỏ qua các hoạt động tạo môi trường ngôn ngữ, chỉ luyện thi cho trẻ khi chưa thực hiện đầy đủ các kỹ năng. Ông Vinh nhấn mạnh, các quận/huyện cần theo dõi tiến độ thực hiện để đảm bảo kế hoạch đề ra. Mở rộng việc dạy đối với các trường dạy học 1 buổi/ngày bằng cách dạy trên 5 buổi/tuần.
|
Bình luận (0)