Vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được quan tâm đúng mức.
Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về khoa học kỹ thuật và phát triển tư duy
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa ký ban hành chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường, trong đó có nhấn mạnh việc khắc phục những hạn chế nêu trên.
Một bộ phận học sinh, sinh viên biểu hiện lệch chuẩn
Chỉ thị nêu rõ, văn hóa học đường là một môi trường quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện đức – trí – thể – mỹ; có lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc; có ý thức và trách nhiệm với đất nước, cộng đồng, gia đình và bản thân. Trong những năm qua, công tác xây dựng văn hóa học đường đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần đào tạo nên những thế hệ công dân tốt, có phẩm chất, năng lực, đạo đức, văn hóa đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một bộ phận học sinh, sinh viên, nhà giáo biểu hiện lệch chuẩn về đạo đức, lối sống văn hóa, hành vi ứng xử trên bình diện xã hội và môi trường học đường. Ở một số địa phương, công tác xây dựng văn hóa học đường chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; việc thực hiện còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức đoàn thể trong trường học thiếu chặt chẽ; nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục văn hóa học đường ở một số nơi còn bất cập, thiếu hấp dẫn.
Chú trọng dạy chữ lẫn “dạy người”
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tại chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án đã được phê duyệt về xây dựng văn hóa trong trường học, tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, khơi dậy khát vọng cống hiến, nâng cao sức khỏe học đường cho học sinh, sinh viên và xây dựng xã hội học tập. Rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục văn hóa học đường bảo đảm bám sát định hướng của Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt văn hóa, dân chủ, khơi dậy sáng tạo; bảo đảm mỗi ngày tới trường là một ngày vui; chỉ đạo đổi mới tổ chức, hoạt động của thư viện gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh văn hóa đọc trong các nhà trường… Kết hợp dạy chữ với “dạy người”, giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức – trí – thể – mỹ…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở, có cơ chế để học sinh, sinh viên các trường học được hưởng chế độ ưu tiên khi vui chơi, tham quan tại các công trình văn hóa, sử dụng khu vực thể thao, sân chơi bãi tập công cộng. Phối hợp với Bộ GD-ĐT xây dựng nội dung, chương trình, hướng dẫn các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vui tươi, lành mạnh và bảo đảm các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc.
Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục hướng dẫn tập huấn, trao đổi thông tin, tuyên truyền phòng, chống tội phạm và phòng ngừa tệ nạn xã hội trong trường học. Đồng thời, tăng cường các giải pháp bảo đảm an ninh, trật tự xã hội khu vực xung quanh trường học; phối hợp với ngành giáo dục trong phòng, chống và xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật xuất phát từ bạo lực học đường và các hành vi vi phạm pháp luật khác liên quan đến học sinh, sinh viên.
Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, triển khai hiệu quả các biện pháp tuyên truyền về xây dựng văn hóa học đường; tăng cường lan tỏa tấm gương người tốt, việc tốt trong học sinh, sinh viên; lan tỏa các giá trị tốt đẹp, đồng thời phê phán những hành vi lệch chuẩn về đạo đức, lối sống. Kiểm soát chặt chẽ các ấn phẩm văn hóa dành cho học sinh, sinh viên có yếu tố bạo lực, mang định kiến về giới, dân tộc, người khuyết tật, trái với truyền thống văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; kịp thời có biện pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường văn hóa học đường của học sinh, sinh viên…
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em; tổ chức các giải pháp tăng cường xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm môi trường thân thiện, không bạo lực tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Sinh viên biểu diễn văn nghệ tại sân trường trong giờ giải lao
Bộ Tài chính căn cứ nhiệm vụ, đề xuất của Bộ GD-ĐT, các bộ, cơ quan Trung ương có liên quan hàng năm tổng hợp, bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước cho các cơ quan Trung ương để thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa học đường phù hợp với khả năng cân đối ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Bảo đảm công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục. Tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa hiện có phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí lành mạnh, an toàn của học sinh, sinh viên. Ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, chương trình liên quan đến xây dựng văn hóa học đường.
Thủ tướng Chính phủ cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị như Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cùng thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm liên quan.
Mê Tâm
Bình luận (0)