Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tăng giá điện cần minh bạch

Tạp Chí Giáo Dục

Theo QĐ 2165 của Thủ tướng Chính phủ ngày 11.11, mức giá bán lẻ điện bình quân giai đoạn 2013 – 2015 tối thiểu là 1.437 đồng/kWh và tối đa là 1.835 đồng/kWh.

 
Giá điện sẽ tăng khoảng 22% trong vòng 13 tháng tới – Ảnh: Ngọc Thắng
Với mức sử dụng điện cao nhất (trên 401 kWh/tháng), theo giá mới, người sử dụng có thể phải trả 2.918 đồng/kWh, tăng khoảng 22% so với mức cao nhất 2.420 đồng/kWh như hiện nay.
EVN có lãi
Sau lần tăng giá gần đây nhất cuối tháng 7.2013, giá bán điện bình quân là 1.508,85 đồng/kWh (chưa tính VAT). Với mức tăng tối đa đến năm 2015 là 1.835 đồng/kWh, giá điện sẽ tăng thêm gần 22% so với hiện nay. Điện sinh hoạt của người tiêu dùng theo khung trên sẽ tăng lên 1.835 đồng/kWh (bậc 1 từ 0 – 100 kWh) đến khoảng 2.900 đồng/kWh (trên 401 kWh). Cũng theo quyết định trên, giá điện bình quân các năm 2013 – 2015 được điều chỉnh không thấp hơn mức giá tối thiểu và không cao quá mức tối đa của khung giá, theo cơ chế điều chỉnh giá bán điện do Thủ tướng Chính phủ quy định và phù hợp với các cấp độ phát triển của thị trường.
Trước đó, năm 2012, trong quyết định của Thủ tướng chính phủ phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 2011 – 2015 của EVN đã chỉ rõ, trong kế hoạch tài chính kinh doanh của tập đoàn này sẽ được phân bổ các khoản lỗ do sản xuất kinh doanh điện chưa tính hết vào giá điện từ trước năm 2011 cho các năm 2012 và 2013. Ngoài ra, phân bổ khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2015 theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, đảm bảo kinh doanh có lãi.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó TGĐ EVN, quyết định của Thủ tướng Chính phủ theo luật Điện lực, quy định khung giá điện tối đa, tối thiểu. “Giá điện tăng phụ thuộc điều chỉnh giá nhiên liệu, biến động tỷ giá, cơ cấu nguồn sản xuất điện thuận lợi hay khó khăn, 3 tháng một lần sẽ tính toán các chỉ số này xem giá điện tăng lên hay giảm xuống. Quyết định trên nhằm tạo khung, không phải giá điện sẽ tăng luôn lên 22%, mức tăng cụ thể hằng năm sẽ do các bộ ngành quyết, trong trường hợp các yếu tố đầu vào không biến động thì giá điện có thể không tăng nhiều”, ông Tri nói.
Ông Tri cho hay, về khoản treo 15.000 tỉ đồng chênh lệch tỷ giá, năm nay sẽ xử lý được thêm hơn 5.000 tỉ đồng, ước còn khoảng dưới 10.000 tỉ đồng. Nhờ năm nay thủy điện dồi dào, tỷ giá ổn định, EVN chắc chắn có lãi và bù được các khoản chênh lệch tỷ giá. Từ giờ đến cuối năm giá điện sẽ không tăng nữa, nhưng EVN cũng không tính tới chuyện giảm giá điện.
Minh bạch và công khai
Dù lãnh đạo EVN khẳng định giá điện tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc cụ thể các yếu tố như đầu vào, tỷ giá, sản lượng, tuy nhiên, với cơ chế mở trần tăng giá tối đa tới 22%, năm 2014 và 2015 EVN sẽ được điều chỉnh tăng thêm hơn 10%/năm. Trước đó, năm 2012 dù điều kiện thủy văn có lợi, EVN cũng tăng giá điện 2 lần và lãi tới 6.000 tỉ đồng, nhưng chỉ 3.500 tỉ đồng được dành lại để bù lỗ kinh doanh điện các năm trước đó, 2.500 tỉ đồng lãi còn lại được chia trở lại cho công ty thành viên. Bày tỏ băn khoăn về việc EVN được cho phép có lãi trong khi tập đoàn này không giải trình được minh bạch các chi phí đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra như giá điện “cõng” cả giá biệt thự, sân tennis… , chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, là doanh nghiệp độc quyền, EVN cần công khai, làm rõ các chi phí giá thành, bởi mỗi lần tăng giá điện người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phải gánh.
Ở góc nhìn của chuyên gia kinh tế, chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành cho rằng: “Tại sao phải tăng để đầu tư? Ngành điện đang có nhiều bất ổn do cơ chế độc quyền và thiếu minh bạch. Muốn giá điện theo giá thị trường, trước hết ngành điện phải hết độc quyền đã. Khi đã không độc quyền thì sẽ có nhiều nhà đầu tư nhảy vào đầu tư, đâu cần phải thu thêm tiền từ dân nữa”.
Mai Hà – Nguyên Nga
(TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)