Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Tăng giá vé máy bay, du lịch nội địa sẽ “chết”

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Giá trần vé máy bay nội địa chặng TPHCM – Hà Nội khứ hồi đã tăng lên 5 triệu đồng vào tháng 5-2011, lại tiếp tục tăng lên 6 triệu đồng và có thể sẽ là 8 triệu đồng nếu như đề xuất nới trần giá vé máy bay được Bộ Tài chính thông qua. Tốc độ phi mã của việc tăng giá vé máy bay tại thị trường nội địa hiện nay đang dồn du lịch nội địa vào thế “chết” dần vì sức cạnh tranh ngày một yếu đi.

Chặn đường… tour nội

Với quá nhiều khó khăn chồng chất như hiện nay, các công ty du lịch ngao ngán, chưa bao giờ làm ăn khó như thời điểm này. Ảnh hưởng suy thoái toàn cầu, người dân thắt lưng buộc bụng chi tiêu, ngành du lịch trong nước chẳng có chương trình kích cầu nào để kích thích người dân đi du lịch. Nay giá vé máy bay nội địa lại đòi tăng, chẳng khác nào chặn đường, không để cho người dân đi du lịch, kích thích tiêu dùng trong nước.

Giá vé máy bay chiếm đến 60% chi phí tour. Du lịch Việt Nam từ lâu đã kém sức cạnh tranh vì chi phí trong nước quá cao, tour nội đắt hơn tour ngoại. Điểm yếu này chưa khắc phục được bao nhiêu thì nay khoảng cách lại kéo dài thêm, du lịch nội địa đã thua lại càng thua.

Các công ty du lịch cho biết, thời điểm giữa tháng 5-2011, các hãng hàng không trong nước đã điều chỉnh tăng giá trần lên khoảng 20% – 25% so với trước đó, nâng giá vé khứ hồi đường bay TPHCM – Hà Nội lên gần 5 triệu đồng. Và mới đây, giá vé này đã tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 15% nữa, cộng chi phí giá vé đường bay này đã tăng lên gần 6 triệu đồng. Và nếu như giá vé tăng lên 8 triệu đồng như dư luận đang lo lắng thì du lịch nội địa xem như đóng cửa! Việc tăng giá vé máy bay hiện nay vô tình tạo ra rào chắn du lịch giữa các vùng.

Ông Phạm Đức Hòa, Phó phòng Du lịch nội địa Saigontourist, đánh giá, giá vé máy bay tăng cao, các tour đường xa từ TPHCM đi ra phía Bắc và miền Trung cũng phải tăng phí tour. Do vậy, xu hướng đi du lịch gần bằng đường bộ sẽ được người dân lựa chọn. Nhưng với doanh nghiệp du lịch, đây không phải là bài toán kinh doanh tốt vì tour gần, ít tiền sẽ không mang lại lợi nhuận như mong đợi.

Không chỉ các công ty chuyên khai thác thị trường nội địa kêu khó, các công ty du lịch đón khách quốc tế đến cũng rất khó xử. Theo ông Nguyễn Văn Trấn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch APEX, đối với thị trường khách quốc tế, các công ty du lịch đã chào giá bán tour cách đây 2-3 tháng. Việc tăng giá vé máy bay nội địa sẽ làm doanh nghiệp rối bời, không mặt mũi, uy tín để nói chuyện tăng giá với đối tác. Việc tăng giá này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.

Mở cửa cho tour ngoại

Tại thời điểm hiện nay, khi chỉ còn hơn 3 tháng nữa đến Tết Nhâm Thìn, các doanh nghiệp đã chuẩn bị dịch vụ cho mùa du lịch tết. Dịch vụ ở các điểm đến trong nước đã thông báo sẽ tăng 20% chi phí cho dịp này.

Theo các doanh nghiệp du lịch, dù mới đây đã điều chỉnh tăng giá vé thêm 15% nhưng lượng vé máy bay bán ra hiện ít hơn cùng thời điểm năm trước. Việc hạn chế lượng vé bán ra của các hãng hàng không có thể là một chính sách giữ vé, nhằm mang lại công bằng cho người dân trong việc mua vé đi lại vào mùa cao điểm tết. Và cũng có thể là đợi mục tiêu tăng vé trần lên 8 triệu đồng/khứ hồi được thông qua mới tung ra bán?! Giá vé máy bay hiện nay tại Việt Nam có đến 10 mức giá bán. Có vé giá rẻ và cũng có vé giá đắt. Tuy nhiên, ngay cả các công ty du lịch – những đơn vị thân thiết với các hãng hàng không đều cho rằng giá vé máy bay bán rất “tù mù”, không rõ ràng, khó lòng mua được vé giá rẻ!

Giá vé máy bay tăng cao, chi phí dịch vụ du lịch trong nước tăng, giá tour chắc chắn phải tăng. Các công ty du lịch dự báo, tết năm nay, du lịch nội địa càng bị cạnh tranh khốc liệt bởi tour đi nước ngoài. Vì hiện tại, các nước trong khu vực đang chào tour với giá hấp dẫn, rẻ hơn nhiều so với tour đi trong nước bằng máy bay. Các công ty du lịch cũng đã điều chỉnh, tăng thị phần đưa khách du lịch trong nước đi nước ngoài. Nếu giá vé tăng, giá tour từ TPHCM đi Hà Nội ra các tỉnh phía Bắc có thể mắc gấp đôi so với giá tour đi Thái Lan. Dù là người tiêu dùng yêu nước nhất cũng khó chấp nhận mức giá chênh lệch này. Nếu giá vé lại tăng, ngành du lịch sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Chưa nhận được đề xuất tăng giá trần vé máy bay

Hôm qua 6-10, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này vẫn chưa nhận được bất cứ phương án nào về việc đề xuất nâng giá trần vé máy bay nên chưa thể đưa ra bất cứ bình luận nào về thông tin tăng giá.

Theo quan điểm của Bộ Tài chính cùng các chuyên gia về giá, bất cứ phương án tăng giá nào hiện nay cũng cần phải được xem xét hết sức thận trọng vì dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hiện đã tăng chậm lại nhưng vẫn đang ở mức cao, trong khi đó cuối năm thường là dịp giá cả hàng hóa có biến động theo chiều hướng tăng.

H.My

Mỹ Hạnh / SGGP

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)