Trong đợt tăng giá xăng dầu vừa qua, ngành vận tải mà đặc biệt là vận tải hành khách bị tác động mạnh nhất. Để duy trì những chuyến xe, nhiều hãng tác xi, xe khách đường dài đã tăng 10-30% giá vé, dịch vụ so với trước ngày xăng dầu tăng giá 21-7.
Trước việc xăng dầu tăng giá, nhiều hãng xe chạy tuyến đường dài đã thông báo tăng giá vé. Công ty Hoàng Long cho biết, trong vài ngày tới xe của hãng sẽ tăng giá vé thêm khoảng 10%. Hãng xe Phương Thảo hiện có 60 chiếc xe đò chạy tuyến TP.HCM – các tỉnh miền Tây Nam bộ, đại diện hãng xe cho biết xăng dầu lên giá, mỗi ngày công ty bù lỗ thêm chi phí xăng dầu khoảng 10 triệu đồng, do vậy sắp tới sẽ tăng giá vé lên 10-20%. Tại bến xe miền Đông, Hãng xe đò Việt Tân Phát chạy tuyến TP.HCM – Gia Lai đã tăng 10%-30% giá vé. Giá vé Hãng xe Phương Trang đi tuyến TPHCM – Nha Trang tăng từ 120.000 đồng/vé lên 130.000 đồng/vé; tuyến TPHCM – Đà Nẵng tăng từ 250.000 lên 280.000 đồng/vé. Với giá vé mới này xe đò Phương Trang đã tăng từ 8%-10% so với giá cũ.
Tại TP.HCM, theo tính toán sơ bộ của ngành giao thông, với lượng xe buýt hiện nay mỗi tháng ngân sách của thành phố sẽ bù thêm khoảng 6 tỷ đồng nếu giá vé không tăng. Vì vậy Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng của ngành giao thông đề nghị tăng từ 4%-8,21% giá vé xe buýt.
Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Mai An (quận Tân Phú ) cho biết, kể từ ngày 24-7, xe của công ty sẽ tăng thêm 15% giá dịch vụ vận chuyển. Ông Trần Văn An, giám đốc công ty này cho biết: Với mức tăng này chỉ mới tạm đỡ khó khăn, về lâu dài chúng tôi sẽ bàn thảo với khách hàng về giá dịch vụ vận tải, làm sao đưa ra được một mức giá để chủ xe không bị lỗ mà khách hàng cũng không bị thiệt. Theo ông An, mức giá mà công ty ông trù liệu là tăng khoảng 20-22% trên mỗi chuyến xe.
Thông tin từ Trung tâm điều hành vận tải hành khách công cộng Đồng Nai cho biết, trung tâm đang lên kế hoạch điều chỉnh giá xe buýt các tuyến có trợ giá (quy định từ năm 2004), dự định áp dụng giá mới từ tháng 10-2008. Nhưng kế hoạch này không thực hiện được do giá xăng, dầu mới tăng. Tuy nhiên, nếu không sớm điều chỉnh tăng giá vé xe buýt các tuyến có trợ giá (hiện giá từ 2.000 đồng đến 4.000 đồng/lượt) thì khả năng các tuyến xe buýt này sẽ bị tê liệt. Riêng tuyến xe buýt không trợ giá Biên Hòa đi Trảng Bom (số 1) do Công ty Hoàng Hà khai thác trước mắt cũng chưa tăng giá. Giám đốc Công ty Hoàng Hà cho biết, do tuyến xe buýt này phục vụ chủ yếu công nhân và học sinh nên công ty tạm giữ nguyên giá cũ và tự bù lỗ để duy trì hoạt động.
Nhiều hãng xe cho biết, tăng giá dịch vụ vận tải, vé xe khách vào lúc này là điều bất khả kháng, hoàn toàn không phải các hãng xe lợi dụng “đục nước buông câu” do xăng dầu tăng giá. Điều mà các hãng xe làm ăn bài bản lo ngại là các loại xe dù, bến cóc tự ý nâng giá vô tội vạ bắt chẹt khách.n
Nguyên Hải
Bình luận (0)