Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước cho biết, trong kho mộc bản triều Nguyễn đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV, đã tìm thấy nhiều tài liệu liên quan đến Thăng Long – Hà Nội.
Trên cơ sở đó, Cục đã chỉ đạo Trung tâm Lưu trữ quốc gia biên tập 2 cuốn sách: Khoa bảng Thăng Long trong mộc bản triều Nguyễn và Chiếu dời đô trong mộc bản triều Nguyễn. Đây là món quà quý giá trong tủ sách kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Sắp tới, Cục Văn thư – Lưu trữ Nhà nước sẽ trao tặng một phiên bản Chiếu dời đô trong mộc bản triều Nguyễn cho UBND TP Hà Nội vào dịp thành phố đón nhận bằng của UNESCO công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới. Theo bà Hương, giá trị lớn nhất của Chiếu dời đô trong mộc bản triều Nguyễn đã một lần nữa khẳng định quyết định đúng đắn của vua Lý Thái Tổ trong việc dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, và các tài liệu đã khẳng định chính nhà vua là người đã viết Chiếu dời đô vào mùa thu tháng 7.1010. Hiện nay, ngoài mộc bản triều Nguyễn, chúng ta chưa phát hiện được một văn bản nào khác khắc Chiếu dời đô trên gỗ.
Bà Hương cũng cho biết, trong hơn 3 vạn bản khắc mộc bản triều Nguyễn, có nhiều tư liệu nói đến chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa và Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang thống kê tất cả những tài liệu liên quan đến vấn đề chủ quyền biên giới của Việt Nam, tuy nhiên, việc công bố những tư liệu này còn phụ thuộc vào yêu cầu của Ủy ban Biên giới, Bộ Ngoại giao và cấp có thẩm quyền.
Việt Chiến (Theo TNO)
Bình luận (0)