Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng hiệu quả hoạt động giáo dục trải nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Trong bối cảnh dạy học trực tuyến kéo dài, nhiều trường tiểu học tại TP.HCM đã tận dụng công nghệ thông tin phát huy và tăng hiệu quả hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh.


Giáo viên phải mạnh dạn tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm khi dạy học trực tuyến (ảnh minh họa)

Sự linh hoạt, sáng tạo đã giúp phát triển được năng lực, phẩm chất học sinh; đồng thời mở ra nhiều sân chơi bổ ích cho học sinh khi học tập tại nhà…

Đa dạng nhiều hoạt động bổ ích

Chương trình Phát thanh măng non tháng 12-2021 của Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (Q.4) có chủ đề: Giới thiệu câu chuyện đẹp. “Phát thanh viên” số này là Hoàng Vân (học sinh lớp 4/1). Với giọng đọc tự tin, truyền cảm, Hoàng Vân đã đưa học sinh nhà trường vào một câu chuyện đẹp rất ý nghĩa về lòng trung thực, tạo sự thích thú và thu hút bạn bè lắng nghe.

Chương trình Phát thanh măng non trực tuyến là một trong nhiều hoạt động được Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ duy trì, thực hiện ngay từ đầu năm học. Thầy Phan Anh Tuấn (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết, dù dạy học trực tuyến song hầu hết các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho học sinh đều được nhà trường linh hoạt chuyển đổi cách thức tổ chức qua hình thức trực tuyến, phù hợp với bối cảnh dịch bệnh nhưng vẫn đáp ứng được mục tiêu giáo dục học sinh. Mỗi số phát thanh, các thành viên trong câu lạc bộ Phát thanh măng non lựa chọn một câu chuyện gần gũi, có tính giáo dục cao rồi tự thực hiện, phát thanh. Qua những câu chuyện đẹp được chia sẻ đã cung cấp cho học sinh nhiều bài học bổ ích. “Phát thanh măng non là sân chơi do Liên đội nhà trường tổ chức. Khi học trực tiếp, mỗi tuần có vài số được phát thanh vào giờ ra chơi về các nội dung gần gũi, thiết thực với học sinh. Khi dạy học trực tuyến, nhà trường quyết định duy trì hình thức này để không chỉ tạo sân chơi, tạo sự tương tác trong học sinh mà còn góp phần giáo dục các em những bài học ý nghĩa, bổ ích”, thầy Tuấn nói.

Chưa hết, các tiết sinh hoạt dưới cờ hàng tuần tổ chức trực tuyến theo từng chủ điểm được nhà trường đổi mới thực hiện qua nhiều hình thức sinh động. Mỗi chủ điểm lồng ghép các nội dung giáo dục khác nhau như chủ điểm phòng chống dịch kết hợp thêm nhiều hoạt động vui chơi để học sinh giao lưu, tương tác. Ngoài ra, nhà trường cũng đẩy mạnh các hoạt động giáo dục trải nghiệm như: Hoạt động âm nhạc học đường, học sinh được làm quen với nhiều nhạc cụ dân tộc thông qua tranh ảnh mà nhà trường sưu tầm. Hoạt động đọc sách cũng được duy trì, giao cho thư viện trường thực hiện theo từng chủ đề, giới thiệu đến học sinh những cuốn sách hay, ý nghĩa, phù hợp với lứa tuổi. Giáo dục học sinh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua chuyên mục “Những mẩu chuyện về Bác Hồ”… “Khi dạy học trực tuyến, hoạt động giáo dục trải nghiệm có thể không phát huy hết hiệu quả như dạy học trực tiếp do hạn chế sự tương tác của học sinh. Thế nhưng, chính việc đa dạng các hoạt động, cách thức tổ chức sẽ giúp học sinh có thêm những kênh giáo dục chính thống, bổ ích, hiệu quả trong thời gian học trực tuyến ở nhà, giải tỏa bớt áp lực tâm lý cho các em”, thầy Tuấn cho biết.

Lồng ghép trong từng bài học

Trong tiết học môn toán ở lớp 1/2 Trường Tiểu học Võ Văn Tần (Q.6) với bài học “Số 9”, qua các hoạt động khởi động, khám phá, luyện tập và vận dụng, cô Trần Thị Hạnh Dương (giáo viên chủ nhiệm lớp) đã khéo léo lồng ghép các nội dung về giáo dục lịch sử, địa lý địa phương và giáo dục kỹ năng sống cho học sinh một cách nhẹ nhàng, gần gũi. Cụ thể, học sinh được giáo viên dẫn dắt cùng mẹ vào bếp nấu những món ăn ngon, cùng đi tham quan Cửu đình (Hoàng cung Huế) qua video, những bài toán thực tế… Ở mỗi hoạt động, nội dung bài học đều hiện hữu song song với giáo dục học sinh các kỹ năng, kiến thức mở rộng phù hợp với lứa tuổi. “Khi thiết kế hoạt động giáo dục lồng ghép giáo dục trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong tiết dạy học trực tuyến đòi hỏi sự sáng tạo của giáo viên. Vận dụng công nghệ thông tin tổ chức một cách đa dạng, tích hợp vào môn học, bài học sao cho phù hợp, nhẹ nhàng. Quan trọng là cách lồng ghép phải thực tế, gợi mở, không khiên cưỡng quá so với lứa tuổi học sinh, từ đó mới tăng được sự tò mò, khám phá, tìm hiểu của các em”, cô Dương chia sẻ.


Qua các hoạt động giáo dục trải nghiệm sẽ hình thành cho học sinh nhiều phẩm chất, kỹ năng (ảnh minh họa)

Cô Nguyễn Thị Lệ Hằng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Văn Tần) cho hay, trong dạy học trực tuyến, việc vận dụng linh hoạt tạo ra các hoạt động trải nghiệm cho học sinh tiểu học là cực kỳ cần thiết. Giúp trẻ vừa học vừa chơi và học thêm được nhiều kỹ năng trong thời gian ở nhà, không đến trường gặp gỡ được bạn bè, thầy cô. Có thể qua các ngày lễ hội để học sinh thể hiện năng khiếu hoặc sáng tạo hơn là tạo ra các sân chơi cho học sinh phụ ba mẹ làm việc nhà trong thời gian ở nhà, cho học sinh đọc sách… Đặc biệt, cô Hằng đánh giá, giáo viên càng sáng tạo thì học sinh càng có thêm các sân chơi, biến quá trình học ở nhà thành quá trình học hỏi, trang bị kỹ năng tự học, ý thức tự giác, tìm tòi, gắn kết tình cảm gia đình với sự hỗ trợ của phụ huynh. Riêng về nội dung giáo dục lịch sử, địa lý địa phương cho học sinh khi học trực tuyến, cô Hằng cho biết tùy theo từng khối lớp, giáo viên sẽ có cách vận dụng phù hợp. Với học sinh khối lớp 3, 4, 5 có thể chia nhóm tìm hiểu về các di tích ở địa phương và chia sẻ với bạn bè. Với học sinh khối lớp 1, 2, giáo viên sẽ thiết kế các tour du lịch vòng quanh Q.6, TP.HCM qua hình ảnh, video về các danh lam, di tích. Hoặc lồng ghép trong bài học để học sinh tự kể, tự chia sẻ lại các chuyến đi của mình… “Thế mạnh của dạy học trực tuyến là công nghệ thông tin với các hình ảnh sinh động, tăng khả năng tìm hiểu kiến thức của học sinh. Nếu giáo viên tận dụng được thế mạnh này thì việc đưa nội dung giáo dục trải nghiệm vào bài học cực kỳ đơn giản, thu hút học sinh qua nhiều hình thức, phương pháp. Tuy nhiên, quan trọng vẫn là giáo viên phải dám làm và mạnh dạn làm. Qua các hoạt động này cũng góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hình thành nề nếp cho học sinh khi trở lại trường”, cô Hằng khẳng định.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)