Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng học phí bậc đại học:Bài toán chất lượng và công bằng xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Trong kỳ tuyển sinh năm 2009, một trong những yêu cầu mà Bộ GD-ĐT nhấn mạnh là các cơ sở đào tạo phải công khai mức học phí dự kiến theo tháng, theo học kỳ, hoặc năm học để thí sinh có thêm cơ sở cân nhắc.

Tăng học phí, trước mắt sinh viên sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Viết Thành

Tại cuốn "Những điều cần biết về thi tuyển sinh năm 2009" các trường dân lập (DL) đã công bố mức học phí dự kiến, có trường đột ngột tăng học phí đã vấp phải sự phản đổi gay gắt của sinh viên. Còn đề án đổi mới công tác tài chính, trong đó có việc tăng học phí, đã được Bộ GD-ĐT trình các cấp và sẽ còn phải chờ xin ý kiến Quốc hội. Xem ra, việc tăng học phí đã trở thành nỗi bức xúc của nhiều phía.
Trường dân lập – học phí trên trời
Trong tháng 3-2009, ĐH Hồng Bàng đột ngột quyết định tăng học phí, mỗi học kỳ thu thêm ít nhất 500 nghìn đồng, gây lên sự phản đối mạnh mẽ từ phía SV khiến cho vài ngày sau, trường phải rút lại quyết định. Tuy nhiên, ngoài ĐH Hồng Bàng, một loạt trường ĐH dân lập khác cũng đã tăng học phí hoặc có mức học phí quá cao, cho thấy xu thế này dường như là không thể tránh khỏi.
Nhìn chung, mức học phí cao phần lớn thuộc về các trường phía Nam. Cao nhất là ĐH Quốc tế Sài Gòn, có tháng thu tới 10 triệu đồng, mức chung cho chương trình tiếng Anh là 5.200 đến 5.700 USD/năm, tiếng Việt là 2.300 đến 2.500 USD/năm. ĐH Kinh tế – Tài chính TP Hồ Chí Minh 45 triệu đồng/năm, ĐH Hoa Sen 19 triệu đồng, ĐH Hồng Bàng là 17 triệu đồng…
Mặt bằng chung của các trường dân lập phía Bắc thì thấp hơn đáng kể song vẫn ở mức "trên trời" so với mức trần 180 nghìn đồng/tháng của các trường công lập. Cao nhất là ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu nghị 5.000 USD/năm. ĐH Quốc tế Bắc Hà là 18-20 triệu đồng. ĐH FPT là 2.200 USD. ĐH Thăng Long và ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội từ năm 2009 sẽ tăng thêm 1 triệu đồng/năm, sau khi năm 2008 vừa tăng thành 10 triệu và 7 triệu đồng/năm. Các trường nói trên đều cho biết, ngoài học phí, SV sẽ không phải chi thêm bất cứ khoản nào khác ngoại trừ cho giáo trình. Thậm chí, ĐH FPT còn khẳng định SV không phải mất tiền cho giáo trình và gửi xe.
Các trường ĐH dân lập đều cho rằng mức học phí cao như vậy là để phục vụ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học của nhà trường. Tuy nhiên, dù Bộ GD-ĐT đã quy định các trường phải công khai tài chính, song trong điều kiện thiếu thông tin như hiện nay, người học khó có thể được bảo đảm rằng chất lượng đào tạo của nhà trường tương xứng với số tiền họ bỏ ra.
Trường công lập – đã có thể tăng?
Trong khi các trường DL được tự quyết định mức học phí thì các trường công lập (CL) vẫn phải áp dụng mức trần theo quy định của Nhà nước là 180 nghìn đồng/tháng cho đào tạo ĐH, 150 nghìn đồng/tháng cho CĐ. Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Hoàng Văn Điện bày tỏ: Muốn có chất lượng đào tạo thì phải có chi phí đào tạo tương ứng, trong khi thực tế là chi phí hiện nay cho đào tạo của chúng ta rất thấp. Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hoàng Văn Châu thì lại lo cho chất lượng của đội ngũ giảng viên: Các trường dân lập có quyền tự quyết mức học phí nên có thể trả lương cao cho giáo viên, vì vậy việc các trường CL bị chảy máu chất xám là hoàn toàn có thể xảy ra.
Trước nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, việc tăng học phí ở các trường CL đã được các cơ quan hữu quan tính tới từ lâu. Đề án này đã được Chính phủ thông qua và đang chờ bàn thảo tại Quốc hội. Nói về đề án này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: "Thực tế, khung học phí hiện nay đã thực hiện 10 năm và không còn phù hợp nữa. Đề án học phí mới với các trường dạy nghề, trung cấp, ĐH, CĐ, từng bước phải bảo đảm chi thường xuyên của các nhóm ngành, tiến tới bảo đảm chi phí đào tạo". Học phí ở mức thấp và cào bằng còn tạo nên sự mất công bằng trong đào tạo.
Tuy nhiên, với việc tăng học phí, liệu những học sinh nghèo học giỏi có bị mất đi cơ hội tới giảng đường? Bởi dù cho các SV có kết quả tốt vẫn có cơ hội nhận được những học bổng của các tổ chức, đoàn thể, cá nhân… song những hỗ trợ thường mang ý nghĩa từ thiện và không ổn định.
Điều đáng mừng là khi đề án tăng học phí còn đang được chờ thông qua, thì những chính sách hỗ trợ tài chính cho SV đã có những dấu hiệu khả quan. Cùng với chính sách cho vay vốn học tập đã đến được với gần 1,3 triệu SV trong năm vừa qua, các quy định về học bổng mới được Chính phủ phê duyệt gần đây đã đón đầu được những đổi mới về quy chế tự chủ tài chính của các cơ sở đào tạo. Đó là học bổng chính sách và học bổng khuyến khích học tập.
Mức học bổng chính sách sẽ được điều chỉnh theo mức lương tối thiểu trong hệ thống thang bậc lương của Nhà nước, được  áp dụng thay cho mức cố định 120.000 đồng/người/tháng theo quy định trước kia. Còn quỹ học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 15% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường CL và tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí hệ giáo dục chính quy đối với các trường DL. Học bổng này sẽ bảo đảm đủ cho SV đóng học phí. Như vậy, những trường có nguồn thu lớn và ổn định sẽ càng có nhiều học bổng cho SV.
Học phí, một vấn đề nhạy cảm có tác động lớn tới xã hội, có tăng hay không chỉ còn là vấn đề thời điểm và tâm lý. Với những chính sách hỗ trợ cho SV cùng các quy chế tài chính hợp lý, hy vọng sẽ giải được bài toán thỏa mãn việc nâng cao chất lượng giáo dục và tạo cơ hội học tập công bằng cho SV.
Quỳnh Phạm (HNM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)