Theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, các trường ĐH, CĐ ngoài công lập phải công khai mức thu học phí trước tuyển sinh, mức học phí của các trường đều đã được in trong cuốn “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2009” được phát hành ngày 8/3 vừa qua. Như vậy thí sinh có thể tham khảo để chủ động chọn trường, ngành học đúng với nguyện vọng của mình nhưng cũng phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình. Tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng học phí tăng rồi chất lượng có tăng không, ngoài chức năng quản lý của ngành GD thì rất cần sự tham gia kiểm soát của xã hội, đặc biệt là của các bậc phụ huynh và chính những sinh viên theo học ở các nhà trường đó.
Có thể thấy mức học phí phổ biến ở các trường ĐH ngoài công lập vào khoảng 6-7 triệu đồng/ năm. Như ĐH Dân lập Hải Phòng có mức 790.000 đồng/tháng; Trường ĐH Đại Nam 800.000 đồng/tháng; Trường ĐH Dân lập Hùng Vương có mức học phí 3,5 triệu đồng/học kỳ; Trường ĐH Nguyễn Trãi xác định mức học phí hằng tháng là 1,5 triệu đồng. Nhiều trường cũng có mức học phí rất cao, giữ kỷ lục về mức thu học phí là ĐH quốc tế RMIT Việt Nam học phí từ 2.342 USD – 3.071 USD/ học kỳ (tuỳ theo ngành học). ĐH Quốc tế Sài Gòn (xét tuyển 500 chỉ tiêu), hệ ĐH đóng 2.000 – 3.000 USD/năm đối với chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt, nếu học chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, mức học phí sẽ là 5.200 – 5.700 USD/năm. Trường ĐH Tư thục Công nghệ – Quản lý Hữu nghị xét tuyển 300 chỉ tiêu cho các ngành học Quản trị kinh doanh, Kỹ thuật phần mềm với mức học phí lên tới 5.000 USD/sinh viên/năm cho ngành Quản trị kinh doanh và Kỹ thuật phần mềm. Còn Trường ĐH Kinh tế Tài chính Tp.HCM học phí cũng lên đến 45 triệu đồng/năm. ĐH Hoa Sen cũng công bố mức thu 19,5 triệu đồng/năm (hệ CĐ 17 triệu đồng); ĐH FPT với mức thu học phí trên 1.000 USD/năm, nhà trường cam kết bảo lãnh cho sinh viên vay ngân hàng để nộp (mức vay là 50%, 70% và 90% học phí), thời gian hoàn nợ khoảng 4-5 năm.
Việc xác định khung học phí theo 7 nhóm ngành đào tạo như đề án học phí mới của Bộ GD&ĐT (đang chờ phê duyệt) cũng được các trường tính đến để làm căn cứ tính học phí theo ngành học cho năm học này. Như học phí của trường ĐH Hồng Bàng chia làm nhiều mức với ngành cao nhất là điều dưỡng: 11,980 triệu đồng, kiến trúc 8,9 triệu đồng, các ngành còn lại 6,9 triệu đồng/học kỳ. Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn xác định học phí theo 2 mức, trong đó các ngành mỹ thuật 4,5 triệu đồng/học kỳ, còn lại từ 3,7 triệu đến 3,8 triệu đồng/học kỳ. Học phí ngành công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh của Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học là 10 triệu đồng, các ngành khác 9,8 triệu đồng/năm. Các ngành kiến trúc công trình, kỹ thuật xây dựng công trình, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện, điện tử của ĐH Chu Văn An đều thu học phí với mức 650.000 đồng/tháng; ngành kế toán, tiếng Anh 590.000 đồng/tháng. Trường ĐH Đông Đô cũng xác định các ngành kiến trúc, điện tử viễn thông, xây dựng, công nghệ thông tin, ngoại ngữ học phí 520.000 đồng/tháng; các ngành khác 500.000 đồng/tháng.
Mức tăng học phí của ở các trường ngoài công lập là điều khó tránh khỏi vì thực tế ở nhiều trường với mức thu như hiện nay đang là rào cản cho việc bảo đảm chất lượng đào tạo. Và ở khía cạnh khác theo Luật Giáo dục hiện hành, thì các trường dân lập, trường tư thục hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính, tự cân đối thu chi. Như vậy với những quy định này của pháp luật thì trong trường hợp cần thiết để đảm bảo nguồn kinh phí hoạt động, các trường có thể điều chỉnh (tăng) mức thu học phí đối với người học.
Thực tế cũng cho thấy ở các trường ngoài công lập, do phải tự đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động bằng các nguồn vốn huy động và nguồn thu học phí nên các trường này cũng được phép điều chỉnh học phí cho phù hợp với các điều kiện thực tế. Luật đã cho phép, tuy nhiên thu ở mức nào, tăng bao nhiêu, thì chính các trường sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng không thể cứ đổ cho tăng giá, để tăng học phí gây phản ứng xấu trong xã hội. Chính vì thế đi đôi với tăng học phí, các trường cũng phải tính tới đầu tư cho việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường để việc tăng học phí làm người học chấp nhận được. Ông Phạm Quang Long – Trưởng phòng Tuyển sinh & Công tác sinh viên Đại học Nguyễn Trãi, cho biết: Phải tăng học phí chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều và cũng tính đến sao cho học phí đảm bảo chi phí đào tạo và cũng lại để người học chấp nhận được. Chứ nhà trường không thể “bù lỗ” nhiều quá được.
Với mức tăng học phí như hiện nay để đảm bảo quyền lợi cho người học, với chức năng của mình Bộ GD&ĐT sẽ giám sát các hoạt động thu chi của các nhà trường. Một trong những yêu cầu của Bộ GD&ĐT đã được các trường thực hiện nghiêm túc là công khai mức học phí để người học có quyền lựa chọn khi nhập học. Thay vì những năm trước, các trường chỉ công bố mức học phí sau khi thí sinh đã trúng tuyển. Đến khi nhận được thông báo nhập học, thí sinh và gia đình mới biết mức học phí là bao nhiêu và nhiều gia đình đã không chịu nổi mức học phí đó đành để con em mình thi lại năm sau.
Dư Khương (GD&TĐ)
Bình luận (0)