Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng học phí là “yêu cầu bức thiết”

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 23/5, Bộ GD-ĐT đã họp trực tuyến với các Sở GD-ĐT và hơn 100 trường ĐH thông báo về “Đề án đổi mới tài chính giáo dục 2009-2014”. Tại buổi họp này, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã giải thích lý do tại sao phải tăng học phí.

 
74% ngân sách giáo dục do tỉnh quản lý
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, ngành giáo dục không đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả chi của nhà nước cho giáo dục, các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân không đánh giá được chất lượng giáo dục trong tương quan với chi của Nhà nước và người dân cho giáo dục, nhất là đào tạo nghề nghiệp.
74% ngân sách nhà nước dành cho giáo dục do các tỉnh quản lý, 21% do các Bộ ngành khác quản lý, Bộ GD-ĐT chỉ quản lý 5%, không có quy định về chế độ báo cáo sử dụng ngân sách do giáo dục cho Bộ GD-ĐT.
Ông Nhân cũng cho biết, 10 năm qua ngân sách nhà nước chi cho giáo dục tăng 5,8 lần, đến nay là 81.400 tỷ đồng. Quy mô học sinh nghề, TCCN, SV tăng 2,3 lần (hiện nay là 4,3 triệu).
Chỉ số tiêu dùng tăng gấp 2 lần nhưng khung học phí 10 năm không thay đổi dẫn đến hậu quả tổng nguồn lực của đất nước huy động động cho giáo dục vẫn rất hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo, gây bất hợp lý thêm trong hệ thống giáo dục.
Trong khi đó, năm 2006, chi bình quân cho 1 học sinh, sinh viên ở nước ta là 723 USD, chỉ bằng 1/4 của Thái Lan là 3.170 USD và Malaysia là 3.031 USD, bằng 1/8 Hàn Quốc, chưa bằng 1/10 của Đức, Nhật và chỉ bằng 1/16 của Mỹ.
Đối với học phí, năm 2001, tổng thu học phí ở tất cả các cấp giáo dục công lập từ mầm non đến đại học chiếm 8,2% tổng chi cho giáo dục ( từ ngân sách và học phí), năm 2005 là 7,3%, 2006 là 6,7% và năm 2008 là 5,5% và nếu khung học phí giữ nguyên như hiện nay vẫn giữ đến 2011 thì tỷ lệ này chỉ còn 4%. Tức là càng ngày đóng góp của học phí vào tổng chi đào tạo ở các trường càng giảm. Năm 2011 chỉ bằng 1/2 năm 2001.
Ông Nhân giải thích, do sự mất giá của đồng tiền nên 180.000 đồng/tháng học phí ĐH năm 2008, so với năm 1998 thì khung học phí hiện nay chỉ có giá trị 90.000đ/tháng.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã tăng lương tối thiểu trong thời gian qua từ 290.000đ/người/tháng lên 540.000đ/người/tháng, song yêu cầu của các trường giải quyết trong thu học phí là chủ yếu mà học phí thì không tăng, nên các trường phải dành tỷ lệ trong tổng thu của trường cho trả lương ngày một cao, phần dành cho giáo trình, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy ngày càng ít đi, ảnh hưởng ngày càng tăng tới chất lượng đào tạo.
Mặt khác, để có thể đảm bảo thu nhập tối thiểu cho giáo viên, phần nào hạn chế việc giáo viên giỏi chuyển công tác sang trường ngoài công lập dạy hoặc làm ở các công ty. Các trường phải tăng số sinh viên, làm cho tỷ lệ sinh viên/giảng viên vẫn rất cao (30-50 sinh viên, thậm chí 100 sinh viên/giảng viên), ngược lại với yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo.
Yêu cầu bức thiết
Hà Nội dự kiến chia 5 mức học phí
Sở GD-ĐT Hà Nội đăng ký được làm thí điểm mức học phí mới như đề án của Bộ GD-ĐT. 
Mức học phí cho khu vực nội thành sẽ từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/tháng. Khu vực ngoại thành có thu nhập tương đối là 70.000 đồng – 90.000 đồng/tháng. Với những hộ nghèo hay các xã miền núi của Hà Nội mở rộng có thể được miễn học phí hoàn toàn.
"Mức học phí cũ đã quá lạc hậu. Sự thay đổi học phí nhằm huy động sự đóng góp cho xã hội của những người có khả năng",  bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội nói.
Tại buổi họp trực tuyến, hầu hết các ý kiến đại biểu đều đồng tình với Đề án đổi mới tài chính giáo dục.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, xã hội nên nhìn nhận việc tăng học phí dưới góc độ mang tính nhân văn, tăng học phí là tăng nguồn lực cho giáo dục để đảm bảo lợi ích của người học và xã hội về lâu dài là chính.
Mức học phí tăng đồng nghĩa với việc người học phải có sự lựa chọn kỹ càng hơn, trách nhiệm và nghĩa vụ học tập cũng lớn hơn. Điều đó có nghĩa họ phải “học sao cho xứng đáng với đồng tiền bát gạo” mà gia đình đã đầu tư cho họ.
Mức học phí hiện nay của một sinh viên đại học khối Kỹ thuật chúng tôi là 180.000đ/tháng – chỉ bằng khoảng 15 kg gạo loại thường – quá thấp. Nếu chỉ dựa vào khoản tiền đầu tư hạn hẹp của ngân sách nhà nước, tiền học phí của sinh viên… thì thực sự là bài toán khó cho các trường ĐH công lập.
Vậy nên tăng học phí thời điểm này là cần thiết. Lẽ ra trong nhiều năm qua học phí giáo dục cũng phải tăng bám theo sự trượt giá chung của nền kinh tế hoặc dựa trên mức lương tối thiểu – ông Hùng đề nghị.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, giáo dục hiện nay và ngày trước khác nhau khá xa. Ngày nay, các trường học phải có cơ sở vật chất để giảm sĩ số học sinh trên lớp; đồng thời phải nâng cao đời sống giáo viên… đây là yêu cầu bức thiết hiện nay của ngành giáo dục.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết việc ra đời Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục này giúp cho ngân sách nhà nước và đóng góp của người dân được sử dụng hiệu quả hơn. Trách nhiệm của các cấp quản lý nhà nước trong việc lập kế hoạch ngân sách cho giáo dục và chính sách cho hiệu quả rõ ràng hơn, tạo tiền đề cho việc xử lý trách nhiệm cá nhân và tổ chức, được đánh giá công khai.
Đồng thời, các cơ sở giáo dục phải thực hiện “3 công khai”: công khai cam kết và thực tế chất lượng giáo dục, công khai nguồn lực của cơ sở đào tạo, công khai tài chính.
Thông qua cơ chế học phí mới và các chính sách khuyến khích xã hội hoá, sự đóng góp của xã hội cho giáo dục sẽ cao hơn nhưng luôn phù hợp với khả năng đóng góp của nhân dân.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở GD-ĐT các địa phương có ý kiến về Đề án gửi về Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh để có ý kiến trong phiên họp Quốc hội tuần tới.
Hồng Hạnh (Dan tri)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)