Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng học phí, nhưng không gây sốc

Tạp Chí Giáo Dục

Ủy ban Văn hóa – giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là cơ quan được giao dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương định hướng đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT. Theo ông Đào Trọng Thi – chủ nhiệm ủy ban này, so với nội dung đề án do Chính phủ trình thì dự thảo nghị quyết có nhiều điểm mới.
Theo chủ trương định hướng của Quốc hội, mỗi năm học phí đại học tăng không quá 25%, thay vì tăng 30-35% như Chính phủ đề nghị. Trong ảnh: sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đóng học phí năm học 2008-2009 – Ảnh: NHƯ HÙNG
 Ông Đào Trọng Thi cho biết:
– Điểm mới đầu tiên cần nói tới trong dự thảo này là về giai đoạn, xác định rõ theo năm học, từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015. Có thể hiểu là mọi nội dung liên quan đến việc đổi mới một số cơ chế tài chính trong GD-ĐT, nếu được Quốc hội thông qua, sẽ được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2015.
Riêng năm học 2009-2010, Chính phủ đề nghị trong khi chưa thực hiện việc thay đổi cách đóng học phí (theo đề án từ năm 2010-2014 do Chính phủ trình), học phí đào tạo sẽ tăng bằng 50% (1/2) mức mất giá đồng tiền năm 2008 so với năm 2000. Theo đó, học phí đại học tăng từ 180.000 đồng/tháng lên 255.000 đồng/tháng, học phí học nghề tăng từ 120.000 đồng/tháng lên 170.000 đồng/tháng. Chúng tôi đề nghị điều chỉnh bằng 1/3 mức trượt giá nêu trên, cụ thể mức điều chỉnh học phí đại học là từ 180.000 đồng/tháng lên 230.000 đồng/tháng, còn học phí học nghề từ 120.000 đồng/tháng lên 150.000 đồng/tháng.
* Qua thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh suy giảm kinh tế hiện nay chưa nên áp dụng ngay việc điều chỉnh học phí?
– Bởi vậy tới đây khi trình dự thảo nghị quyết, chưa chắc các vị đại biểu Quốc hội đã chấp nhận như đề nghị nêu trên của chúng tôi. Nhưng ở đây chúng tôi cân đối nguyện vọng chính đáng của ngành giáo dục, đồng thời đúng là bối cảnh kinh tế hiện nay thì việc điều chỉnh học phí không hợp lúc, nên để xử lý chúng tôi đã đề nghị trên tinh thần dung hòa được cả hai vấn đề, theo hướng Chính phủ đưa ra một mức và chúng tôi đã hạ xuống một chút mức đó.
* Có hạ xuống nhưng không đáng kể, thưa ông?
– Đúng là hạ xuống chưa nhiều. Nhưng sự điều chỉnh học phí nếu có cũng phải tạo ra được hiệu quả, vì mười năm nay chúng ta chưa điều chỉnh học phí. Trước đây ngành giáo dục đã vài lần đề nghị điều chỉnh học phí nhưng cứ đề nghị mức tăng lên mấy lần, đến khi Quốc hội không đồng ý thì lại không có lộ trình giảm, nên mười năm nay vẫn chưa đổi được chỗ này. Quan điểm của chúng tôi là không phản đối toàn bộ đề án do Chính phủ trình, nhưng đề nghị cần thiết có sự giãn tiến độ, tăng dần một cách vừa phải và con số cụ thể cũng phải thấp xuống.
* Còn nội dung được đông đảo cử tri quan tâm là học phí đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông ra sao?
– Chúng tôi đề nghị học phí giáo dục mầm non và phổ thông xác định theo các vùng ở mỗi địa phương, mà học phí không vượt quá 4,5% thu nhập bình quân của hộ gia đình. Đây là học phí chứ không phải là học phí và các chi phí học tập khác. (Đề án của Chính phủ nêu “…học phí và các khoản chi cần thiết khác cho việc học tập không vượt quá 6% thu nhập bình quân của hộ gia đình”). Mức 4,5% đó giao cho từng địa phương quyết định, nhưng cũng phải có lộ trình, từ nay đến năm 2015 tăng dần từng năm, đến năm 2015 mới tăng đến mức 4,5%. Về cụ thể từng năm thì địa phương tự làm, nhưng bắt đầu từ sang năm (2010) chứ năm nay (2009) chưa làm.
* Học phí đối với cao đẳng, đại học và học nghề thì sao, thưa ông?
– Chúng tôi đề nghị xác định học phí theo các nhóm ngành nghề, theo cấp bậc học, nhưng có một điều rất quan trọng là phải gắn với chất lượng đào tạo. Nghĩa là không phải mỗi năm cứ “đến hẹn lại lên”, mà anh muốn tăng học phí thì phải được kiểm định chất lượng và được xác định chất lượng ở mức nào thì mới tăng được. Như vậy có hai vấn đề, vừa tăng theo lộ trình nhưng phải vừa gắn với chất lượng.
Nghĩa là phải tăng dần từng năm và chúng tôi có đề nghị mức tăng mỗi năm không quá 25%, như vậy so với mức ban đầu (khoảng 30-35%) mà Chính phủ đề nghị và ủy ban chúng tôi cũng đã có ý kiến thì đã có giảm. Nếu áp dụng mức tăng này (không quá 25%/năm) thì có thể có nội dung nằm trong đề nghị ban đầu của Chính phủ sẽ không đạt được, ví dụ học phí nhóm ngành y dược sẽ không đạt mức 800.000 đồng. Tinh thần là việc điều chỉnh học phí phải không gây sốc.
* Nhiều đại biểu cũng đã đề nghị quan tâm đúng mức đến học phí mầm non?
– Lần này chúng tôi đưa thêm mục tiêu ưu tiên cho mầm non 5 tuổi, mặc dù có thu phí nhưng phải ưu tiên đầu tư của ngân sách sao cho mức phí sẽ nhẹ nhàng. Nếu bỏ hẳn không thu học phí sẽ thêm gánh nặng ngân sách mà chúng ta chưa lo được. Chúng tôi chưa dám đặt ra việc miễn học phí toàn bộ mầm non vì như vậy là duy ý chí, cố mà làm thì đầu tư bình quân cho mỗi trẻ mầm non sẽ thấp đi và như vậy là khổ cho các cháu.
* Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị tính toán lại nguồn thu, nguồn chi của GD-ĐT, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có thể hiện tinh thần này?
– Có chứ. Vấn đề này không nằm trong phần học phí mà nằm trong nội dung đề cập việc quản lý minh bạch, để có việc một mặt tăng nguồn thu, huy động thêm nguồn lực cho giáo dục, nhưng đồng thời phải quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả nguồn thu đó. Ngoài vấn đề học phí thì đây là một trong những nội dung khác mà dự thảo nghị quyết không thể không đề cập, vì điều quan trọng là anh sử dụng nguồn thu, nguồn chi có hiệu quả như thế nào. Tất nhiên những nội dung nêu trên mới chỉ là dự thảo, Quốc hội sẽ quyết định cuối cùng vào cuối tuần này.
V.V.THÀNH thực hiện (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)