Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Tăng học phí: Phải sòng phẳng với người học

Tạp Chí Giáo Dục

Mức học phí 250.000 đồng vẫn là quá cao trong bối cảnh hiện nay. Thu học phí cao nhưng ngành giáo dục lại chưa có cơ chế cam kết với nhân dân về chất lượng tương ứng, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và Nhi đồng của QH trao đổi với báo giới bên hành lang QH về đề án đã tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung của Chính phủ.

235.000 đồng hợp lý hơn 255.000 đồng
Ông Thi cho biết: Tờ trình mới của Chính phủ đã tiếp thu một phần ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quôc hội và Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng, cơ bản vẫn thực hiện việc tăng học phí từ 2010.
Nhưng đề nghị các nội dung khác của Đề án và học phí khối đào tạo vẫn được thực hiện từ năm 2009 vì học phí từ năm 2000 đến nay đã bị trượt giá nhiều.
Lần này, Chính phủ tính lại, mức học phí phải là 255.000 đồng chứ không phải 235.000 đồng như đã trình là tăng 50% mức trượt giá.
25/5, Ủy ban mới họp bàn, nhưng hiện nay, vẫn có hai luồng ý kiến.
Thí sinh dự thi ĐH. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đa số đồng tình với kiến nghị của cử tri mà Mặt trận Tổ quốc đã tập hợp: trong thời điểm đang khủng hoảng kinh tế, không nên nghĩ tới chuyện tăng đóng góp từ phía nhân dân. Việc tăng học phí nên lùi lại thực hiện từ năm học sau.
Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, cũng nên xem xét mức học phí hiện tại quá lạc hậu, khó để cho các cơ sở đào tạo đảm bảo chất lượng.
Mức tăng đề xuất từ 180.000 đồng lên 255.000 đồng do Chính phủ đề nghị có phù hợp so với bối cảnh hiện nay?
Tôi nghĩ là cao. So với mức học phí đào tạo hiện hành cao nhất là 180.000 đồng thì tăng tới hơn 40%.
Ủy ban cũng chỉ đề nghị, trong điều kiện bình thường, mỗi năm chỉ tăng 30%-40%. Riêng năm 2009, đang suy thoái kinh tế, nếu có tăng, thì tỷ lệ cũng phải thấp hơn.
Vì sao đề án mới giữ nguyên mức tăng 6% thu nhập hộ với học phí THPT?
Bộ lấy lý do là phù hợp với nước mới phát triển. Nhưng nước ta mới ra khỏi kém phát triển và đang phát triển trung bình có thu nhập thấp, tương quan đó là không phù hợp.
Việc tính toán thu nhập hộ khó mà chính xác. Chúng ta chỉ quản lý theo lương nhưng cán bộ có ai sống bằng lương đâu.
Nếu áp dụng ngay 6% thì có một bộ phận sẽ chấp nhận tăng cao ngay lập tức. Đề án nên chấp nhận lộ trình, đến cuối thì cũng đạt đến 6%.
Học nghề đang khuyến khích mà sao học phí lại cao?
Ủy ban cũng có ý kiến, cao đẳng thì phải chia sẻ với Nhà nước, riêng trung cấp và sơ cấp nghề phải có chính sách khác:  Nhà nước hỗ trợ công bằng như các em học phổ thông, mặc dù học phí có thể cao hơn một chút.
Học nghề cần ưu tiên quan tâm hơn vì hầu hết là con em nhà lao động. Việc này sẽ thêm được yếu tố tích cực là thúc đẩy phân luồng.
Hệ trung cấp và cao đẳng nghề cùng một bảng thì không thể chấp nhận được.
Với học sinh phổ thông có miễn được không?
Chúng ta đã hiểu phổ cập khác với phổ cập tiểu học là bắt buộc, còn phổ cập THCS thì không bắt buộc mà chỉ vận động để phấn đấu, nên phổ cập vẫn quy định vẫn phải đóng học phí. Năm 2010 thì hoàn thành phổ cập, do đó, cần tính có nên miễn phí hay không?
Ta mong muốn miễn phí, nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính thì ngân sách phải gánh thêm hơn 5.000 tỷ đồng nên chưa miễn được. Nhưng dần dần sẽ miễn, theo lộ trình giảm dần hoặc ưu tiên học sinh ở nông thôn. Còn ở miền núi, thực chất đã miễn phí rồi.
Lộ trình tăng học phí từ 2019 đến 2014 và kéo dài 5 năm theo như một số ý kiến đóng góp của Thường vụ Quốc hội…
Đề án của Chính phủ đã có tiếp thu, là không nên đưa một khung mà biên độ quá lớn rồi giao cho hiệu trưởng cơ sở giáo dục quyết định.
Khi đó, đương nhiên, ai cũng chọn mức cao nhất để tăng. Như vậy, sẽ có sự sốc vì mức đề xuất cao nhất của đề án cũ so với hiện tại tăng tới 4,5 lần, không thể chịu được.
Chính phủ đã tiếp thu tăng dần từng năm, ở mức có thể chấp nhận được, năm cuối sẽ đạt mức như đề án đề nghị.
Đó là sự tiếp thu cầu thị nhưng phải cân nhắc thêm.
"Cứ hứa, nhưng chẳng có gì để đảm bảo chất lượng"
Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên  và Nhi đồng và cá nhân tôi không chấp nhận cơ chế mà ngành giáo dục đề ra trong đề án về việc đảm bảo chất lượng giáo dục.
Ngành giáo dục phải cam kết kiểm định trước, đạt chất lượng ở mức nào thì cho phép thu học phí ở mức ấy, chứ không phải như hiện nay, cứ hứa, nhưng chẳng có gì để đảm bảo chất lượng.
Người dân chấp nhận đóng học phí cao thì có quyền yêu cầu ngành giáo dục phải có cơ chế cụ thể để đảm bảo có chất lượng tương ứng.
Vì thế, chúng tôi đã đề xuất giải pháp biên độ của học phí rất lớn, có thể gấp tới 2,5-3 lần cho mỗi nhóm ngành. Và chia ra làm nhiều mức khác nhau. Ví dụ 3 mức, mỗi mức gắn với yêu cầu về chất lượng cụ thể. Chỉ cơ sở nào được đánh giá thông qua kiểm định chất lượng – đạt tiêu chuẩn ở mức nào thì được thu học phí ở mức ấy. 
Báo cáo của Ủy ban đã có yêu cầu này nhưng đề án vẫn chưa nói, chỉ nêu cơ sở đào tạo phải đảm bảo chất lượng tương ứng.
Thực ra, cơ chế kiểm định ngành giáo dục đang thực hiện.
Tùy mức chất lượng mà quy ra học phí, và không phải là mức chất lượng do cơ sở đào tạo tự công bố, phải có nhóm kiểm định khách quan.  Làm như vậy sẽ khuyến khích cơ sở đào tạo tham gia kiểm định.
Có như vậy mới đảm bảo sòng phẳng giữa nhà trường và người học. 
(GS Đào Trọng Thi)
   Cơ sở giáo dục phải công khai chi tiêu hàng năm 
Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục trong quản lý tài chính:
– Bảo đảm sự tương quan giữa chất lượng đào tạo và nguồn tài chính được sử dụng (ngân sách, học phí và tài trợ của xã hội), đầu tư có hiệu quả để nâng cao dân trí, phát triển nhân lực, bồi dưỡng nhân tài;
– Công bố mục tiêu và cam kết chất lượng đào tạo, kết quả đánh giá chất lượng đào tạo thực tế, công bố nguồn lực đào tạo của cơ sở (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế…) theo quy định của Nhà nước;
– Công khai chi tiêu trong nhà trường hàng năm, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước, chấp hành các chế độ, quy định về tài chính, kế toán, thực hiện kiểm toán theo quy định của Nhà nước;
– Gửi báo cáo hoạt động nhà trường, trong đó có phần tài chính, về cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp theo quy định của Nhà nước.
Giám sát tài chính giáo dục
– Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ quản lý tài chính giáo dục, trong đó quy định rõ chức năng nhiệm vụ của các Bộ, ngành ở Trung ương, của các cơ quan địa phương trong việc phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát và báo cáo về tài chính của giáo dục;
– Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các quy định quản lý tài chính giáo dục trong các cơ sở giáo dục, quy định báo cáo về tài chính của các cơ sở giáo dục làm cơ sở cho việc quản lý minh bạch và công khai tài chính của toàn bộ hệ thống giáo dục quốc dân;
– Nhà nước thực hiện việc kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm sử dụng kinh phí giáo dục đúng mục đích, có hiệu quả;
– Đại diện cha mẹ học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông, đại diện học sinh, sinh viên và đại diện giáo viên, giảng viên ở các cơ sở đào tạo có quyền và trách nhiệm giám sát việc sử dụng kinh phí của cơ sở giáo dục theo quy chế hoạt động của trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
(Tờ trình Quốc hội về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục)

Hoàng Phương ghi (Vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)