Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

“Tăng lực” cho mùa thi

Tạp Chí Giáo Dục

Vì không chăm sóc sức khỏe đúng cách, nhiều thí sinh đuối sức đã ngủ gục tại phòng thi. Ảnh chụp thí sinh thi vào Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân năm 2011

Nhiều thí sinh cứ vào phòng thi là… quên tất cả, thậm chí có em còn “gục ngã” tại bàn trong lúc làm bài chỉ vì đuối sức. Theo các bác sĩ, có nhiều “phương thuốc” để trị tận gốc những triệu chứng này.
Trong đó, việc ăn – học  – nghỉ ngơi điều độ, hợp lý là cách tốt nhất để có một kỳ thi hiệu quả.
Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc!
Mùa thi, ngủ bao nhiêu tiếng là đủ? Ngủ ít thì thể trạng uể oải, không tiếp thu được bài, mà ngủ nhiều thì lo không đủ thời gian học bài… Đó là tâm lý chung của nhiều học sinh ở thời điểm hiện nay. Chưa nói, trước áp lực bài vở nhiều, không ít học sinh cứ cặm cụi học với phương châm “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” mà lơ là sức khỏe.
Các bác sĩ cho rằng, điều này thực sự tai hại và có thể ảnh hưởng không tốt đến kết quả thi. BS. Trần Thị Minh Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – cho rằng việc ngủ đủ (từ 6 đến 8 tiếng/ ngày) sẽ giúp tinh thần sảng khoái, tỉnh táo. Thời gian ngủ chưa quan trọng bằng chất lượng giấc ngủ. Nếu ngủ sâu sẽ rất tốt cho sức khỏe. Trong trường hợp vì lo lắng mà ngủ chập chờn thì dù có ngủ đủ 8 tiếng vẫn không đảm bảo chất lượng. BS. Minh Hạnh còn lưu ý, học sinh cần ăn uống điều độ, quan trọng là không được bỏ bữa. Thực tế, do vội đi học hay vướng thời gian học thêm mà nhiều em bỏ ăn sáng hoặc ăn tối muộn. Đối với những trường hợp không kịp ăn các bữa chính như vậy, các em nên chuẩn bị sẵn những bữa ăn phụ, chủ yếu là thức ăn nhẹ như uống sữa, ăn bánh… để “chống đói”.
Em Trần Khánh Linh – HS Trường THPT Tân Bình – băn khoăn: “Quan niệm ăn các loại đậu để thi đậu có đúng thực tế và học sinh có thể vận dụng không?”. BS. Trương Trọng Hoàng – Phó chủ nhiệm Bộ môn khoa học hành vi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – giải thích: Hiện khoa học cũng chứng minh nhiều loại thực phẩm được chế biến từ đậu rất tốt cho trí não vì chứa nhiều chất sắt. Vào thời điểm thi, việc các em ăn cháo đậu đỏ, đậu xanh, chè đậu trắng… sẽ rất tốt. Bên cạnh đó, còn có nhiều loại thực phẩm khác cũng tốt cho trí não như các loại chất đạm từ cá. Tất nhiên chất đạm nào (có trong thịt, trứng chẳng hạn) cũng tốt nhưng chất đạm từ cá thì tốt hơn cả vì chứa nhiều thành phần axit cần cho trí não.
Trị chứng… quên đột xuất!
ThS. Nguyễn Ngọc Quỳnh Dao – Trưởng bộ môn tâm lý Trường ĐH Sài Gòn – nêu thực tế vì quá căng thẳng nên có những em học ngày học đêm, quên ăn quên ngủ khiến đến lúc vào phòng thi đột nhiên quên tất cả. Thực tế, có những buổi thi giám thị phải thường xuyên nhắc nhở, “đánh thức” nhiều thí sinh ngủ gục tại bàn do các em quá đuối. Theo ThS. Quỳnh Dao, để tránh tình trạng này, tốt nhất các em nên có chế độ ăn – học – nghỉ ngơi khoa học, hợp lý.
Cũng theo ThS. Quỳnh Dao, để tránh tình trạng quên đột xuất, các em cần hiểu rằng quy trình nhớ thường gồm hai phần là nhớ ngắn hạn và nhớ dài hạn. Khi học sinh tiếp cận và nắm nội dung bài học lần đầu tiên nghĩa là mới chỉ đưa kiến thức vào khu vực trí nhớ ngắn hạn. Hiện tượng quên có thể xảy ra nếu các em không thường xuyên “lục” lại bài vừa học. Vì vậy, để đưa những kiến thức từ vùng nhớ ngắn hạn vào khu vực nhớ dài hạn và có thể lấy ra sử dụng mọi lúc mọi nơi, các em cần liên tục “hâm nóng”, ôn lại. Đặc biệt, đối với những môn xã hội có khối lượng bài học thuộc nhiều, các em cần có kế hoạch cụ thể, chia nhỏ kiến thức ra để nắm bắt từng phần. Đối với những phần kiến thức khô cứng, khó nhớ, học hoài không “vào” các em nên viết to công thức dán ở những nơi dễ bắt gặp, tiếp xúc nhiều để nhớ sâu hơn. “Đặc biệt, khi đã học quá nhiều bài không thể nạp thêm được nữa, các em nên đi ngủ, tránh học quá sức. Bởi khi não bộ đã làm việc hết công suất, cho dù có cố gắng mấy cũng không thể hoạt động thêm được nữa”, ThS. Quỳnh Dao nói.
Bạn Trần Xuân Hóa – thủ khoa Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2011 – chia sẻ: “Cố gắng duy trì ngủ một ngày không dưới 8 tiếng là cách thiết thực để đảm bảo sức khỏe phục vụ thi cử. Không nên làm thêm bài nào trước ngày thi, cần thư giãn để đầu óc thoải mái”.
Có thể nói, việc thư giãn nên được chú trọng sau thời gian tập trung cao độ cho việc học. Cần tránh những hình thức thư giãn “nặng đô” như chơi game, xem phim bạo lực… có khi sẽ khiến chính các em thêm căng thẳng.
Bài, ảnh: Mê Tâm
“Học sinh không nên thức quá khuya để học bài, đi ngủ nếu các em cảm thấy quá mệt. Tránh dùng chất kích thích như trà, cà phê… để chống cơn buồn ngủ. Buổi trưa, các em nên chợp mắt tối thiểu khoảng 15 phút, kết hợp vận động nhẹ các động tác thể dục sẽ giúp lấy lại sức phục vụ học tập” – BS. Trần Thị Minh Hạnh – Phó giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM – chia sẻ.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)