Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Tăng lương đừng để tăng giá

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm đảm bảo đời sống cho công chức, viên chức, người lao động, người nghỉ hưu và các đối tượng chính sách; tiền lương, lương hưu, trợ cấp xã hội đã chính thức được điều chỉnh từ ngày 1-7. Vấn đề nhiều người quan tâm là liệu giá cả các mặt hàng, dịch vụ có tăng theo lương không, nhất là các mặt hàng thiết yếu…


Công chức, viên chức, người lao động mong muốn lương tăng nhưng giá cả các mặt hàng, dịch vụ không tăng

Lương tăng từ 6 đến 30%

Về cải cách tiền lương, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ – cho biết, đối với khu vực doanh nghiệp sẽ thực hiện theo đúng nội dung Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, gồm 2 nội dung: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (theo tháng, giờ) theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng 6% áp dụng từ ngày 1-7-2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp Nhà nước (áp dụng từ ngày 1-1-2025 để phù hợp với năm tài chính của doanh nghiệp). Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang sẽ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về cải cách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi. Cụ thể, thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27-NQ/TƯ đã rõ, đủ điều kiện thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng từ ngày 1-7-2024 (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.

Đối với 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công, gồm các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở, hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1-7-2024 với 3 nội dung. Cụ thể, thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ ngày 1-7-2024 từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%). Trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; đồng thời giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý. Đối với một số bộ, ngành đang đề xuất có chế độ phụ cấp theo nghề, cần tiếp tục làm rõ các yếu tố về chính sách ưu đãi và điều kiện lao động để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Lo ngại lạm phát

“Với mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, mỗi tháng tôi có thêm khoảng 3 triệu đồng. Chồng tôi cũng được nhận thêm từng đó tiền. Thêm 6 triệu đồng/tháng, chi tiêu sinh hoạt trong gia đình sẽ dễ thở hơn hiện nay. Tuy nhiên điều mà tôi lo lắng là giá cả leo thang, nhất là những khoản không thể không chi như tiền điện, nước, gas, tiền học của con và đặc biệt là các thực phẩm thiết yếu. Tôi mong rằng, tăng lương sẽ không là cái cớ để các mặt hàng khác tăng giá…”, chị Trần Bảo Châu (viên chức ngành y tế) tâm tư.

Về mối quan hệ giữa tăng lương và lạm phát, theo ông Trần Hoàng Ngân – đại biểu Quốc hội, đoàn TP.HCM, 20 năm qua, chúng ta đã có 14 lần tăng mức lương cơ sở. Trong đó, năm 2020, khi tăng lương cơ sở 20,7% thì lạm phát giảm từ 8,5% xuống 8,4%; năm 2006, khi tăng lương cơ sở 28,57% thì lạm phát giảm từ 7,5% xuống 6,3%; năm 2012, khi tăng lương cơ sở 26,5% thì lạm phát giảm từ 18,6% xuống 9,2%; năm 2016, khi tăng lương cơ sở 5,2% thì lạm phát giảm từ 6,6% xuống 2,7%. Gần đây nhất, năm 2023, lương cơ sở tăng 20,8% thì lạm phát giảm 3,25%. Bên cạnh các lần lạm phát giảm cũng có 2 lần lạm phát tăng hậu tăng lương cơ sở. Cụ thể, năm 2008, khi tăng lương cơ sở 20% thì lạm phát tăng từ 6,3% lên 23%; năm 2011, tăng lương cơ sở 13,7%, còn lạm phát tăng từ 9,2% lên 18,6%.

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về kết quả công tác quản lý, điều hành giá những tháng đầu năm 2024, định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái – Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá – đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường, chủ động đánh giá kỹ tác động đến lạm phát, tính toán, chuẩn bị sẵn sàng các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá để xem xét, quyết định khi cần thiết với mức độ, thời điểm phù hợp, tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột hoặc tăng giá dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả theo mục tiêu đề ra, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Thường xuyên theo dõi sát thông tin, nắm bắt diễn biến giá cả một số mặt hàng có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng và tổ chức kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá theo quy định; Chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá; Thực hiện hiệu quả, kịp thời công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác, gây hoang mang dư luận…

“Tuy nhiên, năm 2008 và 2011, việc lạm phát này không chỉ có nguyên nhân là do tăng lương cơ sở mà còn có nhiều nguyên nhân khác như lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng, tỷ giá trong nước tăng…”, ông Ngân thông tin thêm.

“Thời gian tới, chúng ta đã có bài học kinh nghiệm để hạn chế lạm phát khi tăng lương cơ sở. Vì vậy, đề nghị Chính phủ quan tâm đến chính sách tiền tệ, chủ động linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và giữ ổn định tỷ giá; việc điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý như điện, học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… phải giãn ra, không cùng một lúc và cách xa ngày 1-7-2024; phải chuẩn bị nguồn hàng đảm bảo cung hàng hóa, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. Đặc biệt phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vấn đề liên quan đến pháp luật về giá…”, ông Ngân đề xuất.

“Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt vấn đề này. Cùng với việc tăng lương là quan tâm đến kiểm soát được giá, đến cung cầu hàng hóa, đặc biệt là mặt hàng thiết yếu…”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết.

Thùy Linh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)