Gần 30 năm đứng trên bục giảng, món quà đặc biệt nhất đối với cô giáo Nguyễn Đỗ Cầm Thi (THPT Thạch Thất, Hà Nội) là những rổ khoai lang "cây nhà lá vườn".
Cô Nguyễn Đỗ Cầm Thi – tổ trưởng bộ môn Văn trường THPT Thạch Thất . |
Niềm vui từ những "rổ khoai lang"
Sáng nay (14/11) trong buổi lễ tuyển dương khen thưởng các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu ngành GD – ĐT, những chia sẻ của cô giáo Nguyễn Đỗ Cầm Thi – tổ trưởng bộ môn Văn trường THPT Thạch Thất – dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng vẫn gắn bó với nghề giáo trong gần 30 năm qua, đã khiến hàng trăm người xúc động.
Cô Cẩm Thi một giáo viên dạy Văn có tiếng của trường với nhiều học trò từng đạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp thành.
Nhưng ít ai biết rằng, người phụ nữ này từng trải qua rất nhiều sóng gió, nỗi đau mất mát trong cuộc đời.
Không kìm được dòng lệ, cô tâm sự: “Ngày đó, bố tôi là tổ trưởng tổ Văn của trường, mới 53 tuổi đời đột ngột mất đi sau một trận cảm nhập tâm. Rồi nỗi đau chồng lên nỗi đau, chỉ mấy tháng sau chồng tôi lại mất vì một tai nạn rủi ro, khi đó con trai tôi mới được 14 tháng tuổi".
Một mình nuôi con, ngoài giờ dạy học, cô còn phải cấy thêm vài sào ruộng, trồng khoai tây để có thêm thu nhập. Rồi căn bệnh hiểm nghèo quái ác lại khiến người phụ nữ này đau yếu, nằm viện nhiều ngày.
Vất vả, khổ cực là thế, nhưng chính nhờ những bài giảng, tình yêu công việc, nhiệt huyết đối với các học trò đã giúp cô vơi đi nỗi buồn đau tưởng không thể vượt qua được.
Mỗi dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) là thời gian để cô được gặp và cảm nhận tình cảm của những thế hệ học trò. Vì vậy, ngày này hàng năm, trong căn nhà cấp bốn của cô luôn đầy ắp tiếng cười.
Gần 30 năm đứng trên bục giảng, cô Cẩm Thi chưa bao giờ biết đến câu chuyện phong bì hoặc những món quà đắt tiền của phụ huynh. Bao năm qua, khi nhận được những món quà dù chỉ là một bông hoa hay cuốn sổ nhỏ từ tay học sinh, cô Cẩm Thi đều trân trọng.
Với cô, món quà đặc biệt nhất lại chính là những rổ khoai lang "cây nhà lá vườn" của phụ huynh, học sinh nghèo nhưng yêu mến cô thật lòng.
Nụ cười tươi trên môi, cô nói: “Đến nay, tôi đã đi gần trọn vẹn con đường mà mình đã chọn. Tôi cảm thấy may mắn vì mình đã vượt qua bao khó khăn vất vả và bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Nghề dạy học đã cho tôi một cuộc sống rất có ý nghĩa".
Gia đình 5 đời theo nghề giáo
Có lẽ, tình yêu đối với nghề giáo trong cô Cẩm Thi được vun đắp ngay trong chính ngôi nhà của mình. Cô chia sẻ: “Gia đình tôi sống ở nông thôn nhưng có nhiều thế hệ theo nghề dạy học, từ đời các cụ, ông ngoại, bố mẹ tôi đến chị em tôi rồi các con tôi bây giờ nữa. Tất cả như là một niềm đam mê kỳ lạ và khi đã lựa chọn rồi là phấn đấu không ngừng”.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm năm 1984, cô Cầm Thi được phân công lên công tác tại trường phổ thông bổ túc tỉnh Lạng Sơn. Suốt 4 năm gắn bó với nơi núi rừng sơn cước, cô đã được chứng kiến bao cảnh nghèo khổ của các em học sinh miền núi.
Ngày đó, cô giáo viên trẻ đã từng băng qua ba quả đồi, lội suối sâu đến ngực để đến thăm và động viên các em đi học. Đến nay, khi đã có gần 30 năm đứng trên bục giảng, niềm nhiệt huyết, tình yêu nghề ấy vẫn luôn chảy trong huyết quản của cô.
Và truyền thống ấy vẫn đang được tiếp nối, khi con trai và con dâu của cô Cẩm Thi đều theo nghề giáo.
Theo Tri thức
Bình luận (0)