Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

Tăng mức phạt giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Chỉ thị 18 của Ban Bí thư về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông sáng qua, nhiều tỉnh, thành kiến nghị tăng mức xử phạt vi phạm giao thông…

Bộ Công an chưa bao giờ cấm xe đi mượn
Chủ tịch tỉnh xin nhận khuyết điểm vì TNGT tăng cao
Trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 2.600 người, bị thương hơn 6.400 người. So với cùng kỳ giảm gần 1.800 vụ (21,54%), tăng 18 người chết (0,7%), giảm gần 2.500 người bị thương (hơn 28%).
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng đã nhận khuyết điểm và xin chịu hình thức kỷ luật do trên địa bàn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm nhiều người chết.
Trong báo cáo tại hội nghị, trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, việc xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định không phải là hành vi mới mà là hành vi đã được quy định trong các nghị định của Chính phủ về mức phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. “Bộ Công an chưa bao giờ nói rằng chỉ người có tên trong đăng ký mới được điều khiển phương tiện. Không có bất kỳ quy định pháp luật nào quy định xe đi thuê, đi mượn bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc quy định bắt buộc phải chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định hướng tới mục tiêu bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của các bên khi mua, trao tặng xe để tránh những tranh chấp về dân sự”, ông Ngọ nhấn mạnh.
Theo trung tướng Ngọ, vừa qua thực hiện chỉ thị của Thủ tướng, Bộ đã ban hành Thông tư số 12 về đơn giản hóa thủ tục chuyển quyền chủ sở hữu phương tiện. “Để người dân được thuận lợi trong làm đăng ký xe, thông tư này quy định hết sức chặt chẽ về thủ tục, tránh việc hợp thức hóa đăng ký xe là tang vật của vụ án hoặc có tranh chấp”, ông Ngọ lý giải, đồng thời kiến nghị: Khi xây dựng văn bản pháp luật mới, phải giữ nguyên quy định xử phạt đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định.
Truy cứu hình sự “đinh tặc”
Phó bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Công Soái nêu 4 kiến nghị của Hà Nội, trong đó có đề xuất tăng mức xử phạt đối với một số hành vi vi phạm an toàn giao thông (ATGT) và trật tự đô thị.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đề nghị bên cạnh việc xử lý trách nhiệm lái xe gây tai nạn, nên bổ sung thêm quy định trách nhiệm các chủ phương tiện về cả phương diện bồi thường vật chất lẫn truy cứu trách nhiệm trước pháp luật. “Chủ phương tiện nếu để xe gây tai nạn phải chịu trách nhiệm bồi hoàn, nuôi dưỡng con người bị tai nạn giao thông đến 18 tuổi như một số nước đã quy định”, ông Quân đề xuất. Chủ tịch UBND TP.HCM đồng thời kiến nghị bổ sung quy định về chế tài xử lý nghiêm khắc các trường hợp rải đinh gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Đây cũng là quan điểm của Phó bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi. Ông Lợi kiến nghị bổ sung quy định truy cứu hình sự tội rải đinh gây tai nạn vì thực tế đã có những vụ tai nạn do rải đinh gây chết người.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh nhấn mạnh một số giải pháp thực hiện quyết liệt việc bảo đảm trật tự ATGT thời gian tới, trong đó xác định việc chấp hành trật tự ATGT là tiêu chí phân loại, đánh giá các tổ chức đảng; không xét thi đua khen thưởng đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang vi phạm trật tự ATGT; lấy việc chấp hành trật tự ATGT là một trong các tiêu chuẩn xét hạnh kiểm cuối năm của học sinh, sinh viên…
Bỏ phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện
* Đề xuất phạt người đội mũ bảo hiểm giả
Bộ GTVT vừa công bố dự thảo lần 3 Nghị định (NĐ) xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ và đường sắt để lấy ý kiến rộng rãi. Tại dự thảo, nội dung phạt chủ phương tiện không chuyển quyền sở hữu phương tiện đã được Bộ GTVT rút bỏ, quy định phạt người không mua phí bảo trì đường bộ cũng không được đưa vào với lý do sẽ được đưa vào NĐ xử phạt phí và lệ phí. Theo Bộ GTVT, về xe chính chủ có 2 luồng ý kiến, thứ nhất là cần tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi này để buộc chủ phương tiện tuân thủ quy định của pháp luật về đăng ký phương tiện. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng không nên xử phạt hành vi này vì qua thực tiễn triển khai NĐ 71 cho thấy, tính khả thi của quy định chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng. Ngoài ra, quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện còn chưa thật sự thuận lợi dẫn đến tồn đọng một lượng lớn xe chưa chuyển tên. Dự thảo NĐ lần 3 thể hiện theo luồng ý kiến thứ hai. Dự thảo lần này cũng bổ sung xử phạt hành vi đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm, nhưng không có đủ ba bộ phận vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ và quai đeo. Mức phạt từ 100.000 – 200.000 đồng như hành vi không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội mũ không cài quai đúng quy cách.
Theo TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)